Friday, May 23, 2008

Xin cám ơn những người bạn của tôi

Saigon-Vietnam's Blog

Chỉ thoáng có mấy tuần mà hàng loạt những gương mặt quen thuộc hàng ngày của bọn mình không thấy xuất hiện nữa. Thoạt đầu thì không để ý nhưng đến khi bắt đầu nhận ra sự trống vắng này thì đã quá muộn, không kịp nói lời từ giả. Vì ít ra trong số đó cũng có một vài gương mặt mà mình đã có lần diện kiến.

Cho dù họ là ai, bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, và tham gia nhóm nhằm mục đích gì, thì mình cũng mặc, chỉ không hiểu ai đã là thủ phạm của sự biến mất này? Mình không muốn nghĩ đến, cũng không dám nốt. Không hiểu sao chỉ nghĩ đến chuyện nghi kỵ là mình đã thấy xấu hỗ rồi, vậy mà ai đó đã làm ra cái chuyện thất đức này. Quả thật mình suy nghĩ quá "ngây thơ" khi tin rằng người ngay có thể thuyết phục kẻ gian.

Từ khi mới lớn, được một nữ tu khả kính giới thiệu quyển "Đắc Nhân Tâm" và bà bảo rằng: "Những gì nhận được nhưng không hãy cho một cách nhưng không" ("Nous ne recevons rien que nous ne devions donner")

Có lẽ vì ảnh hưởng của quyển sách này mà mình đã trở nên quá cả tin chăng? Đôi khi nhận biết được cái rủi ro nhưng vẫn bướng bỉnh chấp nhận. Điều này hoàn toàn ngược lại với tâm địa của những người làm chính trị là "thà nhầm còn hơn sót". Bỡi thế, không lạ gì ở những chế độ quân trị và công an trị, sự tàn bạo này của giai cấp thống trị còn nhân lên gấp nhiều lần, và công lý sẽ mãi mãi là xa xí phẩm đối với người dân lương thiện.

Kiểm lại những ngày tháng đã qua hay những người mà mình từng gặp, hẳn ai cũng tìm ra được những khoảnh khắc đáng nhớ hay những con người thân thiện và tốt bụng. Nhưng rải rác đâu đó cũng có những khúc quanh không mấy dễ chịu, những con người xảo trá bất lương. Cũng may là mình đang sống ở một nơi thanh bình, một quốc gia mà người dân thật sự có "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc" cho dù trên các mẫu đơn từ không bao giờ thấy dòng chữ này.

Thật là khốn nạn cho dân tộc nào phải sống dưới ách cai trị của bọn mọt nước sâu dân, chỉ làm những gì vừa lòng ngoại bang, còn dân mình thì thẳng tay đàn áp và bịt miệng. Giặc đứng sau lưng thì còn quay lại mà đánh, chớ nó đứng trên đầu thì chỉ còn biết kêu trời?

Mình không dám nhận những từ ngữ to tác như "yêu nước", "ái quốc" v.v... như một số bạn, mình chỉ cảm thấy bức xúc khi nhìn thấy lãnh thổ quốc gia thì bị ngoại bang lấn chiếm, còn bộ máy cai trị thì bị bọn chúng điều khiển từ xa.

Ôi những này cuối tháng Tư của người Việt sao mà tàn nhẫn thế! Nó không còn là một tháng đen tối cho những ai còn ưu uất vơi kỷ niệm xưa, mà nó sẽ mãi mãi là những tháng ngày ô nhục trong lịch sử dân tộc. Khi mà giặc ngoại xâm, được chính quyền địa phương bảo vệ như nguyên thủ quốc gia, ngang nhiên mang "bia chủ quyền lãnh thổ" đặt ngay trên đường phố Sài Gòn.

Không phải là ngẫu nhiên khi hơn 80 triệu dân dường như không ai còn chút sĩ diện mà lên tiếng phản đối. Không phải vì họ không nói hay không muốn nói mà vì họ đã bị tước mất tất cả các quyền và khả năng để nói, kể cả đối với những cán bộ cao cấp nào dám đứng về phía quần chúng. Cho dù là thủ đoạn có đê tiện đến đâu thì những con robots công an được điều khiển từ xa này cũng sẽ quyết không chừa, ngay cả trên thế giới ảo. Bỡi bọn chúng hiểu rằng sức mạnh quần chúng và dân trí là 2 điều đáng sợ nhất của bất kỳ một chế độ độc tài nào trong lịch sử cận đại.

Cư dân mạng, chúng ta hãy cùng làm những gì mình có thể làm được để giúp mọi người có điều kiện tiếp cận thông tin đa chiều. Hãy tạo ra những mạng liên thông để không bao giờ bị cô lập. Hãy giúp xây dựng sức mạnh quần chúng và nâng cao dân trí vì đó chính là vũ khí duy nhất có thể chống lại bạo quyền.

Xin cám ơn những người bạn của tôi, những người đã gặp và chưa từng gặp. Những người đã bị buộc phải "đi xa" chỉ vì muốn nói lên sự thật, cũng như những người phải chịu thiệt thòi quyền lợi cá nhân để cho chúng ta có điều kiện bày tỏ ý kiến hôm nay. Các bạn là ai thì tự biết, hy vọng cái thế giới ảo này một ngày nào đó sẽ mang chúng ta đến với hiện thực tươi sáng hơn cho nhân loại, ít ra là cho những ai còn bị áp bức và kềm kẹp.

Thursday, May 22, 2008

Khi quyền tự do bị lạm dụng

Saigon-Vietnam's Blog

Khái niệm về tự do và dân chủ phải luôn gắn liền với văn hóa và truyền thống của từng dân tộc. Đây là sự thật không thể chối cãi. Nhất là ở những quốc gia có bề dày lịch sử nhiều ngàn năm theo chế độ phong kiến như Trung Quốc và Việt Nam thì khái niệm về tự do và dân chủ càng phụ thuộc vào yếu tố dân tộc nhiều hơn nữa.

Ở quốc gia non trẻ như Hoa Kỳ thì nhà nước được hình thành một cách tự phát từ một nhóm thế lực lưu vong tạp chủng, vì vậy quan niệm về quyền tự do công dân cũng như quyền lực nhà nước không có cơ sở văn hoá vững chắc và hoàn toàn không được thừa hưởng truyền thống dân tộc nào cả.

Những quốc gia có truyền thống phong kiến lâu đời như Trung Quốc và Việt Nam thì hoàn toàn ngược lại. Sự phục tùng của người dân vào nhà nước là tuyệt đối. Người dân dưới thời phong kiến cũng có rất nhiều quyền tự do không khác gì ở các nước tư bản hiện nay. Quyền con người cũng được bảo vệ bỡi hệ thống pháp lý chặt chẽ. Ở Trung Quốc có Bộ Luật Thanh Triều, tương tự, ở Việt Nam có Bộ Luật Gia Long, là một phiên bản của luật Nhà Thanh. Trong 2 bộ luật đó có quy định rất cụ thể từng chi tiết về từng tội hình cũng như khung hình phạt tương ứng. Những trường hợp khó xử thì tạo tiền lệ, sau đó những nơi khác dùng tiền lệ đó mà xử. Ngoài ra, từng địa phương, từng vị quan còn có lệ riêng tùy nơi, tùy lúc rất linh động.

Có những thế lực xấu cho rằng hệ thống pháp lý đó là phi dân chủ và sẽ không có cơ sở để tồn tại trên thế giới ngày nay. Họ đã lầm, sự thật thì ngược lại, những hệ thống pháp lý đó ngày càng chứng tỏ tính ưu việt trên cái xứ sở đã sinh ra chúng. Người Trung Quốc, không ai là không tự hào và ủng hộ sự lãnh đạo của nhà nước TQ.

Những ai quan tâm đến quá trình rước đuốc Thế Vận vào tháng 4-2008 cũng đều phải ngưỡng mộ lòng yêu nước cũng như tinh thần thượng võ của người Trung Quốc trên khắp thế giới. Tất cả các du học sinh TQ, theo chỉ thị và tài trợ của Bộ Giáo Dục và Đại Sứ Quán, từ khắp nơi trên thế giới đã không ngại đường xa, tập trung đông đủ để áp đảo tinh thần một số rất ít những thành phần chống đối khi ngọn đuốc đi qua quốc gia họ. Truyền thông thế giới đã đồng loạt đưa lên trang nhất hình ảnh nhiều thanh niên TQ biểu diễn KungFu trên đường phố Hán Thành nhằm hạ gục một vài kẻ xấu số dám hô khẩu hiệu đòi độc lập cho Tây Tạng. Đây là những cử chỉ hết sức cao thượng, hoàn toàn phù hợp với luật pháp Trung Quốc cũng như tinh thần Thế Vận Hội, chỉ có những kẻ xấu ủng hộ Tây Tạng là đã lợi dụng một cách quá trớn quyền tự do ngôn luận mà thượng đế đã ban cho họ mà thôi.

Không một người Việt Nam nào chứng kiến cuộc rước đuốc tại Sài Gòn vào ngày 29 tháng 4 2008 mà không khỏi bồi hồi xúc động khi thấy lòng tự hào dân tộc của người Trung Quốc đã được thể hiện một cách toàn diện mà không hề gặp một trở ngại nào. Còn gì cao đẹp hơn khi nhìn thấy hình ảnh quốc kỳ CHXHCN VN trở thành một bộ phận không thể thiếu được của quốc kỳ nước bạn. Người TQ đã thay cho chúng ta phất cao ngọn cờ tổ quốc của cả 2 quốc gia. Những người chứng kiến cuộc rước đuốc rất khó có thể phát hiện một là quốc kỳ VN nào trong đoàn người tuần hành, tuy nhiên họ đã nhầm, vì mỗi một lá cờ TQ đã có chứa đến 5 lá cờ VN rồi, vì vậy ban tổ chức đã quyết định chỉ dùng cờ TQ mà thôi, không như ở San-Francisco, rất nhiều ủng hộ viên TQ mang cả 2 cờ Hoa Kỳ và TQ.

Một cử chỉ cũng hết sức đáng trân trọng của những người bạn TQ khi đến rước đuốc tại VN là việc thể hiện ý chí thống nhất đất nước TQ cũng như thống nhất thế giới. Khẩu hiệu của Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 là "Một Thế Giới, Một Giấc Mơ". Nhưng khi đến Việt Nam, nó được thêm phần sau "Một Trung Quốc". Người TQ cũng như VN đều tôn trọng lịch sử, vì vậy ươc mơ của nhà nước TQ cũng chính là ước mơ của nhà nước VN. Nhân dân VN hoàn toàn tin tưởng vào sự lãnh đạo sáng suốt của đảng. Những gì của lịch sử hãy trả lại cho lịch sử. Lãnh thổ Tây Tạng và những lãnh thổ khác trong khu vực đã từng nằm dưới sự kiểm soát của triều đình phong kiến TQ trong nhiều thế kỷ, thậm chí cả ngàn năm, hà cớ gì mà lại có quyền đòi độc lập ngày hôm nay?

Công bình mà nói thì cũng nhờ sự quan tâm chăm sóc của nhà nước TQ mà đến giờ này Tây Tạng mới đạt được những thành quả to lớn như thế. Nếu không có đảng và nhà nước TQ thì không chừng giờ này người Tây Tạng còn chưa được nhắc đến trên bản đồ thế giới. Một số ít người Tây Tạng lưu vong không thể nào đại diện cho hàng triệu người dân trong nước. Chỉ có những kẻ cực đoan và những ai thiếu thông tin trung thực từ nhà nước TQ mới có thể nghĩ rằng người Tây Tạng cần độc lập.

Cũng nhân sự kiện rước đuốc này, nhiều nhóm người Việt lưu vong đã đưa lên mạng những thông tin bất lợi cho đảng và nhà nước TQ, dựa vào lý do Ủy Ban Thế Vận Bắc Kinh đã đưa quần đảo Tây Sa và Nam Sa vào bản đồ rước đuốc. Đây là luận điệu xuyên tạc vô cùng nguy hiểm cần phải được dập tắt tận gốc. Những kẻ lưu vong vô công rồi nghề, thậm chí còn khoe khoang là thuộc giới thượng lưu, nhưng thực chất trong đó có những tên như cai ngục Lê Mãn Tín đã dùng tiền làm móng tay để mua bằng cấp rồi tự xưng là có MBA, Ph.D.; hay là tên Huỳnh Cộng Quân dùng tiền bán chợ trời khi còn ở Tiệp Khắc vượt biên sang ĐM mua hôn thú với một người đồng tính gốc Phi rồi tự phong là Tổng Tư Lệnh Quân Đội Cà Quốc v.v... Đáng khinh nhất là những tên xuất thân là dân chăn vịt, hoạn lợn, phu khuân vác hay phụ bếp trên tàu thôi nhưng cũng học đòi làm chính trị. Bọn chúng đã lợi dụng quyền tự do ngôn luận mà đảng và nhà nước VN ban cho để tuyên truyền chống phá mẫu quốc.

Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, lực lượng an ninh mạng của VN, với nguồn tài trợ vô tận của tầng lớp lao động trong nước cũng như nguồn viện trợ nhân đạo quốc tế, đã dùng kỷ thuật Tấn Công Từ Chối Dịch Vụ Toàn Cầu đánh phá thành công diễn đàn chính trị tiếng Việt lớn nhất hiện nay. Cuộc tổng tiến công Xuân Mậu Tý 2008 của lực lượng an ninh mạng VN đã để lại một tiếng vang nhất định. Kẻ thù cuối cùng đã được sự hổ trợ của CIA và bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ với kinh phí hàng tỉ đô la hàng năm để phục hồi diễn đàn. Phía VN cũng bị thiệt hại không ít khi kẻ thù dùng kỷ thuật Back Fire và Bading Tsunami để phản công một cách vô nhân đạo khiến cho trang nhà của một số cơ quan tuyên truyền của đảng và nhà nước, kể cả những đối tượng ngây thơ vô tội như TTOL, CCVN v.v..., phải gặp sự cố nghẽn mạng trong những ngày gần đây.

Chân lý cuối cùng cũng sẽ thuộc về nhân dân. Cho dù bọn phản động có phí bao nhiêu công sức và tiền bạc thì cũng không thể nào thuyết phục nổi hơn 80 triệu trái tim VN luôn hướng về mẫu quốc. Người VN yêu chuộng hoà bình, tự do và dân chủ, nhưng không phải vì thế mà chúng ta dễ dàng chấp nhận những người lợi dụng quyền tự do ngôn luận để nói lên sự thật về bản chất xấu xa của đảng và nhà nước VN. Những mầm móng chống đối này cần phải bị tiêu diệt tận gốc, cho dù có phải bán cả giang sơn thì chúng ta cũng cần phải buộc chúng quỳ xuống mà tạ tội với mẫu quốc.

Theo An Ninh Sài Gòn

Tài liệu tham khảo:
Đảng Cộng Sản VN
Nhân Dân
An Ninh Thế Giới

Wednesday, May 07, 2008

Bàn về những cái giả

Saigon-Vietnam's Blog

Hàng giả hàng nhái là tệ nạn ở bất kỳ quốc gia chậm phát triển nào chớ không riêng VN. Tuy nhiên ở ta thì tính phổ cập của nó đã vượt ra ngoài sức tưởng tượng.

Những cái gì con người tạo ra đều có thể làm giả. Kể cả những thứ không sờ được như đạo đức, học vị, chức tước v.v... Thuốc giả thì có hại cho người uống, còn đạo đức giả và bằng cấp giả thì có hại cho cả dân tộc.

Trên lý thuyết thì cán bộ lãnh đạo Đảng phải vừa hồng vừa chuyên, nhưng thực tế thì chỉ cần cái vỏ màu hồng là được, khỏi cần chuyên môn gì cả. Bỡi lẽ cấp trên không có chuyên môn thì làm sao kiểm tra cấp dưới, và cứ thế mà "cơ cấu" cho nhau từ đời này sang đời nọ. Để được hồng thì phải có một trong 3 thứ sau: thứ nhất là lý lịch phải hồng, thứ hai là có quen biết và thứ ba là có tiền đút lót. Nếu tự thân phấn đấu mà không có những thứ trên thì hơi khó đấy.

Không biết những người không có chuyên môn về luật pháp muốn ngồi vào ghế quan tòa để làm gì nếu như không có động cơ đen tối? Em xin chịu thua. Ba mươi năm rồi mà các vị vẫn còn trình độ thời trong chiến khu thì hết thuốc chữa. Đã có nhiều cán bộ cao cấp trong những cơ quan pháp lý của VN bị phát hiện chưa có tú tài! Ở một xã hội dân chủ mà có chuyện này thì chắc là người ta phải lôi ra xử lại tất cả các vụ án mà nhân vật đó có liên quan. Thế nhưng ở xứ ta thì ... vô tư.

Càng nực cười hơn nữa là các ông bà quan tòa này ngồi vào ghế xét xử bao lâu rồi mà không ai xác định được trình độ chuyên môn cả, chỉ khi phát hiện bằng cấp giả thì mới biết sự thật mà thôi.

hệ thống Đảng trị của VN có vấn đề nghiêm trọng. Đảng chỉ cần biết đưa người của Đảng vào làm cán bộ cao nhất trong cơ quan mặc cho trình độ chuyên môn của họ như thế nào.

Chuyện này rất bình thường đối với người VN. Nhưng nếu nghĩ lại thì mới thấy nó vô cùng quan trọng. Vì những ông/bà quan lớn đó lại tiếp tục đề cử người bất tài vào hàng ngũ Đảng.

Nước Nam không thiếu người tài mà là quá thừa kẻ cầm quyền bất tài.
Cái gì cũng làm giả được chỉ có tham nhũng là không.

Friday, May 02, 2008

Chuyện dài học ngoại ngữ

Saigon-Vietnam's Blog

Chuyện dài học ngoại ngữ, nhất là Anh văn, đã được báo chí VN bàn đến rất nhiều. Nhưng cho dù có nhiều cách mấy thì chắc cũng chưa giải tỏa nỗi băng khoăng của người học ngoại ngữ. Số người học càng ngày càng tăng nhưng tỉ lệ số người thất bại hay không đạt kết quả cũng không giảm.

Cứ đến một trung tâm ngoại ngữ ở VN mà học thì có lẽ ai cũng nhận ra là lớp học rất đông vào ngày khai giảng nhưng vơi dần và cho đến khi hoàn tất chương trình để thi lấy bằng thì tỉ lệ ra trường là cực kỳ nhỏ. Có lẽ cở 10% hay ít hơn là thu được kết quả tương đối mà thôi, phần còn lại thì "vào thế nào, ra thế ấy".

Người Việt ở hải ngoại cũng không thoát khỏi cái vòng lẫn quẫn này. Ngay tại Mỹ, bước ra đường là có cơ hội để thực hành tiếng Anh nhưng vẫn có nhiều người Việt, vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, đã chọn lối sống "bịt mồm bịt tai". Họ sẽ không bao giờ hội nhập thực thụ được vào xã hội nói tiếng Anh, cho dù có kiếm được bạc triệu. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn đến việc học ngoại ngữ mà thôi.

Như vậy theo bạn có bao nhiêu yếu tố quyết định sự thành công (cho dù là còn hạn chế) của việc học ngoại ngữ?

Động cơ Quyết tâm Phương pháp học Người dạy Môi trường sống, phương tiện thực hành Điều kiện kinh tế, vật chất Tuổi tác Trí thông minh Năng khiếuBạn đã tạo cho mình môi trường tối ưu có thể có cho việc học ngoại ngữ hay chưa?

Vận dụng tất cả những phương tiện trong môi trường sống hay chưa?

Nghe Nhìn Nói Viết-Động cơ của bạn là gì? Nếu chỉ cho là học để giải trí thì có lẽ bạn đang phí thời giờ của mình và mọi người rồi đấy. Trừ phi bạn là người cực kỳ thông minh hay có năng khiếu ngoại ngữ hay có hoàn cảnh rất đặc biệt, không có chuyện "cưỡi ngựa xem hoa" mà thành công được. Động cơ cần thiết phải là "để tồn tại trong thế giới ngày mai". Chỉ có động cơ mãnh liệt đó mới có đủ sức chiến thắng cái tật lười biếng trí tuệ đang ngự trị trong mỗi chúng ta mà thôi.

Bằng chứng là những bạn sinh viên học ngoại ngữ để đối phó khi ra trường hay mấy ông cán bộ học ngoại ngữ để được lên chức v.v..., tất cả đều không mang lại kết quả gì cho kiến thức của người học cả.

Nói thế không có nghĩa là những trường hợp thất bại khác đều do không có động lực đúng đắng, thật ra là nó chưa đủ mạnh mà thôi.

-Quyết tâm: sau khi đã xác định động lực cho việc học là để "tồn tại" thì chúng ta cần có một quyết tâm và tự tin. Không cho phép những cản trở tức thời nào làm nãn lòng.

-Phương pháp: tự học là chính. Khi đã có động cơ và quyết tâm rồi thì chắc chắn con đường đi đến thành công phải thông qua "tự học" là chính. Chừng nào mà bạn bỏ ra thời giờ nhiều hơn quy định của giáo viên để học ở nhà thì chừng đó bạn mới thực sự tiếp thu tốt kiến thức mới. Thay vì chờ giáo viên hỏi bài trong lớp, bạn phải tự tìm hiểu và soạn sẵn những câu hỏi để nhờ thầy giải đáp trong lớp. Có thể một số nhỏ giáo viên yếu kiến thức sẽ không thích lối học này của bạn, nhưng những ai có trình độ và tâm huyết với nghề giáo đều sẽ ủng hộ bạn.

-Vai trò của giáo viên không nên quá quan trọng trong việc học của bạn. Bạn nên tìm mọi cách tự học và tự kiểm chứng kiến thức trước khi đến lớp. Điều khó cho người học là khi học một mẫu câu mới, làm sao áp dụng nó trong những tình huống khác với ngữ cảnh trong tài liệu. Đó là lúc chúng ta cần sự hướng dẫn của giáo viên. Vì ngôn ngữ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, lại có lắm ngoại lệ, cho nên chúng ta không thể dùng phương pháp suy diễn đơn thuần mà có kết quả chính xác được.

-Khả năng thẩm âm có tính quyết định trong việc nghe và nói ngoại ngữ. Đây là lĩnh vực mà người ta hay gọi nôm na là "năng khiếu" ngoại ngữ. Thật ra thì nó chỉ đúng cho người trưởng thành học ngoại ngữ thôi, đối với trẻ em thì khả năng nghe và nói ngoại ngữ rất tốt.

Trong âm nhạc người ta hay nói "tone deaf" để chỉ những người nghe note La lại hát nốt xề hay thậm chí âm lơ lớ không ra tần số nào rõ rệt cả. Đặc biệt là những người thật sự "tone deaf" không biết được là họ hát "phô", vì họ không phân biệt được cao độ của âm thanh.

Hiện tượng "tone deaf" trong ngôn ngữ không đến nỗi nghiêm trọng như thế và thậm chí còn có thể "chữa được" nhờ luyện tập. Vấn đề là do thói quen nghe một thứ ngôn ngữ quá lâu đã làm cho não bộ con người mất dần khả năng nhận dạng những âm thanh lạ từ những ngôn ngữ khác mà thôi. Cần phải có một quá trình "đấu dây lại" (rewire hay reprogram) bộ não.

Ngành điện ảnh VN đang gặp khó khăn về vấn đề tiếng nói của diễn viên vì các "minh tinh" VN thường không có nói được tiếng Việt đạt tiêu chuẫn để thu thanh trực tiếp! Thế mới thấy khâm phục những diễn viên nổi tiếng của Mỹ, hầu như lúc nào cũng phải thu tiếng trực tiếp. Nếu theo dõi những phim cần người nói giọng miền thì chúng ta còn phải khâm phục họ hơn nữa: Xem Tom Hanks trong Forest Gump (nói giọng Alabama), hay Tom Cruise trong Far and Away (nói giọng Anh), Colin Farrell trong Tigerland (người Ái Nhỉ Lan nói giọng Mỹ - nghe anh ta nói tiếng anh với giọng Irish rặc ở ngoài đời thì mới thật sự kinh ngạc) ... Yêu cầu diễn viên phải nói được nhiều giọng là chuyện thường ở Hollywood, chỉ có ở VN là hiếm mà thôi.

Khi cần đổi giọng nói cho phù hợp với vai diễn, các diễn viên Mỹ thường phải sang sống thực tế ở địa phương để học hỏi các ăn nói đi đứng của dân địa phương, ngoài ra họ còn có người hướng dẫn riêng (language coach) nếu cần.

Có thể nhiều bạn sẽ nói là diễn viên thường có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ nên họ làm được chuyện đó. Đúng, nhưng họ cũng vẫn phải khổ luyện và cần sự hướng dẫn chớ không phải tự nhiên mà đạt được kết quả như ý muốn của đạo diễn được.

Việc nhận dạng chính xác âm thanh là yếu tố quan trọng trong việc học phát âm của bạn. Nếu không có điều kiện thuê chuyên viên hướng dẫn ngôn ngữ (language coach) thì bạn phải tự học lấy.

Những việc cần làm và đáng lưu ý:

Đọc lớn: phải tìm cho mình một góc học tập mà không gây ảnh hưởng đến người chung quanh.
Tự thu bài đọc của mình vào băng (hay máy tính) rồi phát ra so sánh với giọng của người bản xứ. Lặp lại cho đến khi nào tốc độ và âm thanh gần giống với người bản xứ thì thôi. Đây là việc rèn luyện lâu dài, không thể đạt được ngay. Trước tiên bạn nên bắt đầu với bộ Alphabet, xin chớ coi thường những ký tự nhạt nhẽo này vì nếu bạn đọc những chữ cái không chính xác thì sau này sẽ không bao giờ phát âm đúng được. Thông thường những lỗi phát âm đều xuất phát từ phần cơ bản nhất là bộ chữ cái. Kế đến là những cách phát âm của những bộ phụ âm kép hay phức.
Nên tự tìm hiểu về cách phiên âm của các từ điển để có cơ sở mà luyện cách phát âm. Trong hầu hết các trường hợp, tự điển luôn luôn đúng, chỉ có người học là đọc sai thôi.
Hạn chế tối đa sử dụng tự điển Anh-Việt. Nếu bạn học theo đúng trình tự từ dễ đến khó thì vốn từ vựng sẽ được xây dựng hợp lý giúp bạn dùng được từ điển đơn ngữ.
Kim Từ điển (từ điển điện tử) có rất nhiều điểm bất cập, thiếu ví dụ minh họa nên rất dễ gây hiểu lầm ở người sử dụng, dẫn đến hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của từ muốn tìm hoặc làm cho người sử dụng áp dụng sai từ ngữ. Ngoài ra, một số versions của KTĐ còn có những lỗi ngớ ngẩn khác như từ "tiểu đường" không có nhưng lại có "đái đường" (diabetes). Nên tránh xa!
Khi thấy người nước ngoài mở khẩu hình để phát âm một từ nào đó, bạn nên để ý thật kỷ, nếu có điều kiện thì yêu cầu họ lặp lại để bạn bắt chước. Thoạt đầu có thể thấy ngượng nhưng dần dần sẽ quen. Không bao giờ được phép dễ dãi với khẩu hình. Nên nhớ là nếu bạn không mở đúng khẩu hình thì không bao giờ phát âm đúng được. Một âm chỉ có một khẩu hình đúng mà thôi. Nếu khẩu hình của bạn (kể cả vị trí lưỡi) không giống với khẩu hình của người bản ngữ thì phải sửa đến khi nào gần giống mới thôi. Ngữ điệu và những âm thanh đặc thù:

Khi nghe thoáng qua một cuộc đàm thoại, người ta nhận ra tiếng Anh nhờ những âm "R" và "tion", cũng như tiếng Pháp là những âm giọng mũi "EN" "ON", "ION" v.v...

Vì vậy bạn phải tập trung luyện tập những âm thanh đặc thù đó để tiến lại gần ngôn ngữ mình muốn nói; đồng thời khắc phục nhược điểm ở những âm không có trong tiếng mẹ đẻ. Người Việt học tiếng Anh thường gặp trở ngại với những âm "R, TR, SH, TCH, J" và âm đuôi "ge, sh, z" v.v... Đặc biệt là lỗi dấu nhấn thì cực kỳ phổ biến, mà cái này hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu bạn chịu khó tra từ điển.

Xem phim Mỹ có phụ đề (subtitle) tiếng Anh (DVD gốc đều có phần này) hay closed caption (tùy loại TV) để học từ ngữ và cách phát âm cũng như ngữ điệu.
Nghe nhạc cũng là một cách, tuy hơi khó vì ca từ thường gần với thơ và văn chương hơn ngôn ngữ nói.
Đọc truyện ngắn, tin tức thời sự... Cách học từ vựng tốt nhất là dịch sang tiếng Việt. Tránh những bài hay truyện quá dài.


Thực hành (Phát âm ; Ngữ điệu; Tốc độ)

Thực hành với ai: dĩ nhiên càng thực hành nhiều thì càng nghe/nói lưu loát, nhưng cũng cần tính đến yếu tố đối tượng giao tiếp. Có người Việt sang Mỹ quan niệm rằng cứ tiếp xúc nhiều với người Mỹ thì dần dần sẽ nghe/nói tốt (đúng giọng, đúng văn phạm ...) Thật ra có 2 yếu tố quyết định sự tiến bộ thật sự trong kỷ năng giao tiếp:

kiến thức cơ bản, vốn từ, khả năng tự trao dồi từ vựng: cần phải nắm văn phạm đủ để viết và đọc hiểu để tự cải thiện vốn từ vựng.

đối tượng giao tiếp (nên là người giỏi hơn mình): nếu họ tế nhị không sửa cho mình thì ít ra mình cũng phát hiện sai sót mà tự sửa lấy.
Ví dụ: để hỏi "Anh ăn trưa chưa?", bạn quên (hay chưa biết) cách dùng present perfect nên nói đại "Did you eat luch yet?".

Người bạn Mỹ biết ý bạn hỏi gì nên trả lời "No I havn't".

Hay bạn hỏi "Do you leave the company?"
Người bạn Mỹ trả lời: "No I'm not" (tức là I'm not leaving)

Nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra điểm sai sót của mình được thể hiện qua câu trả lời của người bạn Mỹ. Lẽ ra bạn nên nói "Have you eaten lunch yet?" hay "Have you had lunch yet?"; và câu hai là "Are you leaving the company?"

Đấy, nếu không có kiến thức cơ bản thì chúng ta sẽ khó có thể tự sửa lỗi thông qua giao tiếp hàng ngày.

Một thực tế khá phủ phàng đối với người có ý định học tiếng Anh qua giao tiếp là họ không có cơ hội được người khác sửa (correct) khi phạm lỗi văn phạm hay phát âm; vốn từ nghèo nàn, có cải thiện thì cũng hết sức chậm, và thường là chỉ nghe âm mà không thấy mặt chữ. Đó là chưa kể đối tượng giao tiếp của họ thường là giới bình dân, đề tài giao tiếp cũng hạn chế trong khuôn khổ công việc tay chân hàng ngày.

Với cách học đó, sau 20 năm trình độ cũng vẫn còn rất yếu. Cụ thể là không nghe nỗi tin tức bình luận trên TV Mỹ, không xem phim, kịch hay giải trí bằng tiếng Anh, và dĩ nhiên là cũng không tự viết được đơn từ.

Còn ở VN thì sao? Các báo có nhắc đến sự bế tắt của các câu lạc bộ ngoại ngữ vì thiếu tính thu hút. Điều này sớm hay muộn gì cũng xảy ra. Nhiều người có nhu cầu thực hành ngoại ngữ nên cùng tìm đến các CLB nhưng nếu tất cả đều có cùng trình độ sơ cấp thì rất nguy hiểm vì sai không ai sửa. Còn những người đã giỏi mà đến đó thì lại dễ chán. Tóm lại CLB ngoại ngữ phải có người tổ chức là dân rất giỏi ngoại ngữ, thậm chí nên là người bản ngữ thì mới có thể mang kết quả tốt đến cho thành viên.

2-May-2008 2:11am

Sunday, April 06, 2008

Bãi rác lương tâm

Saigon-Vietnam's Blog

Con người khi cống hiến cho xã hội bao giờ cũng mong mỏi được đền bù xứng đáng và công bằng. Tuy nhiên nếu xã hội có đặc biệt chiếu cố mà đền bù trên mức cần thiết thì có ai dại gì mà không nhận? Tương tự, nếu luật pháp chỉ dựa vào sự tự giác nhận tội của con người thì chắc không ai vào tù cả. Vậy mà Đảng đã tồn tại dựa trên những cái luật bất cập đó suốt bao nhiêu năm qua.

Sự đãi ngộ đảng viên quá mức cần thiết cùng với hình thức kỷ luật hết sức tượng trưng đã biến Đảng thành một tổ chức mafia đỏ thao túng đất nước. Cái thẻ Đảng giờ đã trở thành cái giấy phép hành nghề tham nhũng chuyên nghiệp.

Tham nhũng như bọt hơi nước nổi lên từ đáy nồi. Không ai biết nó sẽ xuất hiện ở đâu trước, chỉ biết là nó cứ nở rộ từ dưới lên trên, càng lên cao càng to. Càng to càng nổ lớn.

Ban thanh tra chính phủ toàn những tay trùm tham nhũng (trưởng, phó đều có) vậy thì Đảng làm sao đây? Thủ tướng là người thế nào mà thuộc cấp toàn là bọn tham nhũng như thế? Một chính phủ mà có quá nhiều bộ tham nhũng thì làm sao chỉnh đốn được? Nếu ông Khải mà làm thủ tướng Thái Lan thì chắc tuần qua không còn chỗ trống trong nhà giam trên khắp cả nước cho những người biểu tình rồi. Làm gì có đến chuyện từ chức!

Thách thức của chính phủ không phải là chỉ làm thí điểm 1 bộ, mà phải làm cho ra tiêu cực ở tất cả các bộ, ngành khác. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì Đảng phải có người liêm khiết 100%, đồng thời có năng lực, uy tín và can đảm. Tìm đâu ra? Nếu do một phép lạ nào đó mà Đảng tìm ra một người như thế thì liệu có chọi lại nỗi 2 triệu cái đầu trì trệ còn lại không? Dĩ nhiên là không.

Giao thông và xây dựng thì ăn xi măng, sắt thép, tài nguyên môi trường thì ăn đất, năng lượng thì ăn xăng dầu, đầu tư thì ăn quota, tài chánh thì ăn đô la. Ngành ngành cùng ăn, người người cùng ăn, chỉ có dân đen là bơ mỏ mà thôi. Thử hỏi có một tỉnh thành nào trên cái đất nước nhỏ bé này mà không có tiêu cực trầm trọng?

Đảng đã cướp đi của cải vật chất mà dân ta đã có, đang có, thậm chí cả cái sẽ có nữa, đó là tương lai. Tài sản người dân tạo dựng qua bao thế hệ nay phải mất trắng vào tay đảng viên ở địa phương. Trong tương lai, con em họ chẳng những bị bọn COCC cướp hết cơ hội phát triển mà còn phải còng lưng ra làm từng chiếc giày, may từng chiếc áo để trả nợ cho bọn đầu trâu mặt ngựa ở trung ương.

Cuộc sống người dân thì luôn bị chi phối bỡi nghị quyết của Đảng chớ không phải luật pháp. Cấp dưới cứ tha hồ diễn giải nghị quyết theo cách riêng và thi hành tùy tiện. Điều này đã biến cơ quan hành chính địa phương thành cơ quan lập pháp, có quyền lực không thua gì cơ quan trung ương.

Chính Đảng đã tạo ra cái quái thai này chớ không ai khác. Chính sách phân biệt đối xử một cách công khai suốt 70 năm qua đã tạo cơ sở cho tình trạng tùy tiện trong việc tuyển dụng. Đã có bao nhiêu triệu thanh niên VN, nhất là từ miền Nam đã mất đi cơ hội được học và làm việc đúng với khả năng của mình vì lý do "lý lịch không rõ ràng"?

Đảng của những người chiến thắng có bao giờ nghĩ đến sự bất công này không? Dĩ nhiên là không, vì những cái máy hút tiền của Đảng làm gì có trái tim mà biết đồng cảm với nỗi đau của đồng bào. Tình yêu của họ đã dành hết cho chức tước bỗng lộc rồi.

Từ cái quan niệm của kẻ thắng trận, Đảng luôn tìm mọi cách để tự thưởng bằng những chính sách hết sức tùy tiện. Trong khi có nhiều thương binh thật sự trong chiến tranh đến nay vẫn còn phải chầu chực như ăn mài để được lãnh những khoảng tiền gần như vô nghĩa. Thậm chí có gia đình liệt sĩ còn chưa được công nhận. Vậy mà các quan nhà ta, vừa được ở nhà không mất tiền, vừa được lương cao, bỗng hậu lại có nhiều quyền lực gần như vô hạn.

Đảng đã củng cố quyền lực bằng chế độ ban thưởng tùy tiện và hình thức phê bình kiểm điểm chiếu lệ. Con em gia đình các quan lớn đều có "chỉ tiêu" hưởng thụ cao nhất trong xã hội: đi du học, đi hợp tác lao động, vào những chức vụ quan trọng, cấp nhà, đất, mua hàng giá rẻ ...

Đi nước ngoài du học để mang kiến thức về phục vụ tổ quốc. Mỗi suất học bỗng có giá trị bằng sức lao động của biết bao nhiêu người dân, thế mà Đảng cho phép mình tùy tiện chia chát nội bộ, cướp đi cơ hội học hỏi chính đáng của biết bao nhiêu nhân tài của đất nước. Đây là chuyện rất bình thường, thậm chí trở thành nguyên tắc trong văn hoá Đảng.

Nguyên tắc chia chát của Đảng là người có công nhiều thì hưởng nhiều. Nhưng thế nào là có công nhiều? Tuổi Đảng? Thành tích trong chiến đấu hay trong xây dựng đất nước? Chính cái tiêu chuẫn ban thưởng mơ hồ này đã biến chính sách "đền ơn đáp nghĩa" thành hiện tượng "chia chát quyền lợi, tài sản quốc gia" cho một số đảng viên.

Sự hy sinh cho cách mạng của những vị này có hơn gì so với những người đã bỏ mạng nơi chiến trường? Người có tuổi Đảng cao là người có công nhiều cho đất nước hơn người ít tuổi Đảng hay thậm chí ngoài Đảng? Chưa chắc.

Người được đánh giá là có công với cách mạng đều là đảng viên vì một lý do đơn giản là Đảng không bao giờ cho phép người ngoài Đảng phát huy tài năng trong việc lãnh đạo đất nước.

Một thực tế quan trọng nữa là Đảng đã không thu hút được người tài vì đa số những ai có chút liêm sĩ cũng đều từ chối vào Đảng, nếu như họ có đủ tiêu chuẫn vào Đảng, vì họ khinh thường văn hoá Đảng.

Cứ hễ nắm giữ vị trí quan trọng trong Đảng là có công nhiều cho đất nước? Thí dụ ông Đào Đình Bình làm bộ trưởng GTVT là có công nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở cho VN? Và như thế là có công với ngành GTVT? Nói thế thì ông Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ của ổng cũng có công rất lớn với dân tộc VN đấy vì họ đã giúp tạo ra cái hạ tầng cơ sở ở miền Nam mà rất nhiều đảng viên CS đã và đang hưởng thụ đó.

Chuyện phân biệt đối xử đã có từ thời chiến tranh. Ai cũng chấp nhận nó và thậm chí còn dùng nó để làm mục tiêu "phấn đấu". Chẳng hạn dân thường chỉ được 3 lạng thịt mỗi tháng, trong khi đảng viên được 5 lạng mỗi tháng. Nếu không ăn đem bán lại hưởng chênh lệch thì cũng tăng được thu nhập. Thế thì ai mà chả muốn vào Đảng?

Cái động cơ vào Đảng trong thời kỳ đổi mới cũng thế, chỉ có khác là khoản lợi nhuận do chiếc thẻ Đảng mang lại được tăng lên một triệu lần.

Một hình thức công khai của chính sách "tự thưởng" là phân chia quyền lợi theo "chỉ tiêu". Đây chẳng qua là nền văn hoá cướp giật. Chưa có quốc gia dân chủ nào làm được như thế. Cứ là quan lớn thì được cấp nhà (do cướp của dân), sau đó hợp thức hoá thành của riêng và bán lại hưởng chênh lệch. Không thể nói đây là sơ hở của chính sách, mà bản chất của chính sách là thế.

Người VN dường như đã chấp nhận mà không hề thắc mắc tại sao con em của các đảng viên cao cấp đều được tây du. Trong khi có biết bao thanh niên hiếu học tài năng khác phải bỏ lỡ cơ hội lên tỉnh học chỉ vì không có khả năng tài chính.

Còn các bạn du học sinh trong diện con ông cháu cha, có ai cảm thấy hỗ thẹn về cha mẹ mình hay không? Có ai cảm thấy áy náy khi sự thăng tiến của mình đã cướp đi cơ hội phát triển của người khác xứng đáng hơn? Chắc hẵn là không rồi.

Muốn biết các quan có tham nhũng hay không, có lẽ việc làm đơn giản nhất là tìm hiểu xem con em của họ đang làm gì, ở đâu. Trong giờ phút này, 2 người con của ngài thứ trưởng Tiến đang du học tại Pháp có suy nghĩ gì? Và còn bao nhiêu trường hợp tương tự? Cha vào tù còn con thì ở nước ngoài sống phè phỡn từ nguồn tài sản bất chính. Thậm chí có khi còn được chào đón rình rang khi trở về nữa là khác.

Trong số những doanh nhân giàu có ở VN có không ít nhờ vào tài sản tham nhũng, móc ngoặc như thế. Vụ chia đất C30 của các quan chức bưu điện ở SG cũng như vụ tương tự ở Hải Phòng là những ví dụ điển hình.

Thời buổi này cái gì cũng quy được thành tiền. Thậm chí có người còn nói là chức bộ trưởng như của ông Đào Đình Bình tốn cở 1 triệu đô. Tương tự, công lao của những người "có công với cách mạng" như ở bưu điện SG thì được tính bằng đơn vị tiền tỉ. Có lẽ Đảng nghĩ rằng người ta đã không tiếc sinh mạng cho Đảng, thế thì Đảng tiếc gì một mớ đất bỏ không giữa Sài Gòn mà không cho họ trong lúc tuổi già?

Thật là mỉa mai, Đảng đã nhân danh nhân dân để cắt đất cho chính mình. Đây là hình thức ăn cướp giữa ban ngày. Những người đi theo cách mạng là do tự nguyện, những quyền cao chức trọng mà họ có được ngày nay đã quá thừa để họ thu lợi bạc tỉ mỗi năm, thế mà Đảng vẫn xem họ là những người "có hoàn cảnh khó khăn"! Chính ông phó chủ tịch UBND ký quyết định giao đất, chứng tỏ đây không phải là việc làm của một cá nhân, mà nó liên quan đến cả bộ máy cầm quyền ở Sài Gòn, nếu không muốn nói là tới cả trung ương.

Ăn khỏe thế thì làm gì mà cơ sở Đảng không vững mạnh cho được! Đối với đảng viên, tiền bạc vật chất giờ đây không còn là thứ xa xỉ nữa, chỉ có lương tâm và đạo đức mà thôi.

Còn hệ thống kỷ luật của Đảng thì sao? Đối với người ngoài Đảng thì xử theo luật rừng, bắt trước rồi xử sau, còn đối với đảng viên thì phê bình và kiểm điểm là chủ yếu. Muốn kỷ luật một đảng viên phải chờ ý kiến của Đảng bộ rồi mới tới toà án. Ý kiến của cơ quan điều tra và dư luận chỉ có tính tham khảo. Như vậy Đảng có quyền hỏi cung bị cáo trước khi cơ quan điều tra vào cuộc hay sao? Thử hỏi có bao nhiêu người ngu xuẫn đến độ nhận tội trước khi ra toà?

Đảng luôn sợ bị ô uế thanh danh nên không bao giờ cho phép đưa đảng viên ra toà. Vì vậy, trước khi khởi tố bao giờ cũng phải tiến hành kỷ luật Đảng trước, và chỉ khởi tố khi cơ quan điều tra gần như chắc chắn rằng đương sự có tội, mặc dù theo tư duy mới của Đảng thì không ai bị kết tội trước khi có phán quyết của toà án. Chính vì sự ngần ngại và né tránh này mà còn có biết bao nhiêu cán bộ cao cấp khác trong chính phủ vẫn còn ung dung thao túng mà không sợ bị bắt, và sẽ không bao giờ bị bắt. Bằng chứng là những vụ bê bối ở bộ năng lượng và bộ GTVT trải qua mấy đời bộ trưởng mới phát hiện đựơc, các quan đã hạ cánh an toàn, tài sản thì đã tẩy rửa qua mấy chục lần rồi. Đây là bất cập nguy hiểm nhất của hệ thống pháp lý CS. Vì vậy mới có chuyện trước ngày bị bắt, tất cả các bị cáo đều là "đảng viên tốt" cả.

Văn hoá phê và tự phê chỉ có tác dụng đối với người ngoài Đảng. Khi một nhân viên bị lãnh đạo phê bình kiểm điểm thì kể như tàn đời. Trong lúc chính lãnh đạo nếu có sai lầm cho dù nghiêm trọng đến đâu cũng chỉ cần "nhận khuyết điểm" là đủ. Mà đã là lãnh đạo Đảng thì hiếm khi sai, có chăng chỉ vì "khả năng yếu kém" chớ còn nhận thức và tư tưởng thì lúc nào cũng đúng đắng hết. Mà theo Đảng thì yêu cầu "nhận thức" mới là quan trọng, chớ khả năng chuyên môn thì cần quái gì. Bằng chứng là các đồng chí trong trung ương Đảng có mấy ai là có năng lực chuyên môn đâu. Đã bao nhiêu lần người ta thấy y tá chiến trường làm giám đốc bệnh viện hay những lãnh đạo văn hoá chưa học hết cấp một? Đó là quá khứ, nhưng hiện nay vẫn không khá hơn bao nhiêu tuy là các ông các bà đó bây giờ đã mua được bằng tiến sĩ hay phụ tá tiến sĩ hết rồi.

Và Đảng đã tồn tại như thế suốt hơn nửa thế kỷ, cái nó đạt được thì rất nhiều và đồng thời cái nó đánh mất cũng không ít. Đảng đã chỉ giữ lại cho riêng mình chức tước, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ ... và vứt đi tất cả những thứ khác. Chỉ cần ra bãi rác lương tâm của Đảng thì sẽ thấy đầy đủ những thứ cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước.


----------------------------------------------------------------

Trích:
Về lý do cấp đất lãnh đạo BĐTP nêu: cho các đối tượng (đã xem xét kỹ) là cán bộ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành bưu điện và cách mạng VN.

Ngoài ra, tờ trình số 108, do Giám đốc BĐTP Lê Ngọc Trác ký, còn giãi bày về gia cảnh những cán bộ nói trên là hầu hết đều chưa có nhà ở ổn định và chưa được cấp đất. Hoặc có những trường hợp có nhà tập thể thì cam kết sẽ hoàn trả căn hộ sau khi được cấp đất, để BĐTP cấp cho CBCNVC khác…

Ngày 19/4/2002, diện tích đất trên được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Vũ Hùng Việt ký quyết định giao đất. Có thật những người được cấp những “lô đất vàng” nói trên đều là cán bộ lão thành? Chúng tôi sẽ đề cập trong số báo sau.

Báo Tiền Phong (link ...)



06-04-2006, 02:41 AM

Tuesday, February 12, 2008

Từ gián điệp kinh tế đến văn hoá ăn cướp

Saigon-Vietnam's Blog

Sống ở những quốc gia kém phát triển ai cũng quá quen thuộc với tình trạng hàng giả, hàng nhái. Dân Sài Gòn thường hay nói "made in Hongkong bên hong Chợ Lớn" cũng có cái nguyên nhân xâu sa của nó. Tại sao lại không là "bên hong Bà Chiểu" hay "bên hong Gia Định" v.v...? Nguyên nhân khách quan là vì Chợ Lớn vốn từ xưa nay vẫn là trung tâm tiểu thủ công nghiệp và thương mại của cả thành phố Sài Gòn. Nguyên nhân chủ quan là do chính những đầu óc năng động cũng như bàn tay khéo léo của cộng động người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn.

Hầu như người Hoa nào, cho dù sống bất kỳ nơi nào trên thế giới đều muốn duy trì cái truyền thống "phi thương bất phú" của tổ tiên. Vì vậy, đối với những người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng thì buôn bán hầu như là cách sinh nhai duy nhất.

Lúc nhỏ tôi ở trọ nhà một gia đình người Hoa ở Cần Thơ để đi học, vào những năm cuối của thập niên 70, những năm lũ lụt và thiếu đói. May mắn có người con trai của ông chủ lớn hơn tôi 5 tuổi nhưng chơi chung rất thân và nhân đó tôi mới biết thêm một số bí mật làm ăn của cộng đồng người Hoa ở Phụng Hiệp (Ngã Bảy). Anh rất chất phát và thân thiện, thậm chí kể cho tôi nghe những bí mật nhà nghề mà người khác có bỏ tiền ra cũng chưa chắc gì mua được. Đó là những bí quyết làm rượu Tây từ nước sông Ngã Bảy, làm nước tương 0 độ đạm từ thứ phẩm của nhà máy bột ngọt, làm trắng đường tinh, và sau cùng là bí quyết rang cà phê v.v... Nói chung, tôi không quan tâm mấy đến những chi tiết kỷ thuật bỡi vì chưa chắc nó chính xác, nhưng cái mà tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là bí quyết học nghề, hay đúng hơn là "ăn cắp nghề" của họ. Thường thì những chuyện như thế xảy ra trong vòng khép kín của cộng đồng người Hoa nên người ngoài không hề biết.

Hầu hết tất cả các bí kiếp làm đồ giả hay sản xuất trên đều do chính anh ta bỏ thời gian ra đi "học" rồi mang về làm cho gia đình. Các bước tiến hành đều giống nhau : tìm cách sống chung, làm chung với người sản xuất rồi học nghề trực tiếp, sau đó bỏ chủ về quê làm cho gia đình. Có khi là giả vờ làm công, có khi là chính thức bỏ tiền ra học nghề. Lần cuối cùng tôi chứng kiến anh ta đi Ban Mê Thuộc nói là bỏ một số tiền ra học nghề rang cà phê. Khoảng 1 năm sau anh trở về quê và mở lò rang tại nhà.

Dĩ nhiên là tôi đã không phụ lòng của người bạn này, không hề dùng những thông tin đó để tư lợi hay làm hại ai. Mãi cho đến hôm nay, khi tìm hiểu về tâm tính của người Trung Hoa cũng như cung cách làm ăn của họ, nhất là dưới sự quản lý của nhà cầm quyền TQ, tôi mới nghiệm ra một điều là trong thâm tâm, người Trung Hoa nói chung, và dân Trung Hoa lục địa nói riêng chưa có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, thậm chí có thể vì lợi nhuận mà xem thường sự an toàn cho người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn cả là ý thức của giới hữu trách Trung Quốc về vấn đề này. Họ dường như ngấm ngầm, thậm chí có trường hợp công khai ủng hộ cho những hoạt động phạm pháp này. Sự kém hiểu biết của một nhóm người nhỏ thì còn chấp nhận được, nhưng của cả một chính phủ hay của một nền kinh tế thì quả là nghiêm trọng.

Học nghề để tự làm ra sản phẩm là chuyện bình thường. Thậm chí reverse engineering là việc làm hàng ngày của tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Tuy nhiên mục đích của nó chỉ là để nghiên cứu học hỏi từ sản phẩm của đối phương rồi tìm cách cải thiện sản phẩm của mình chớ không phải sao chép. Vào thời kỳ mới phát triển, Nhật Bản phạm phải sai lầm này vào những năm 60-70, nhất là ở khâu thiết kế nên từng bị mang tiếng là "ăn cắp" mẫu mã và bị xem thường ở thị trường Âu Mỹ. Cũng may là người Nhật đã sớm nhận ra điều này và khắc phục nhanh chóng. Người Đại Hàn theo gương người Nhật nên nền công nghiệp của họ phát triển rất chắc chắn. Ngày nay, hàng hoá của 2 quốc gia này đã có khả năng cạnh tranh gần như tuyệt đối ở ngay cả những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Nói như thế không có nghĩa là các quốc gia này không có tình báo kinh tế. Vấn đề là ở qui mô nào và phương thức ra sao cũng như phạm vi ứng dụng những thông tin đó. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành cái nơi xuất xứ của một lực lượng gián điệp kinh tế lớn nhất thế giới. Đối tượng của họ là các nước phát triển, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Các công ty lớn của Hoa Kỳ cho biết, thông qua một cuộc thăm dò ý kiến của FBI và bộ Thương Mại Hoa Kỳ, Trung Quốc chính là mối đe doạ rò rĩ thông tin kỷ thuật lớn nhất (chiếm hơn 20%) so với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Năm 1996, tổng thống Clinton ban hành những điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ mới nhằm đối phó với nạn ăn cắp thông tin kinh tế và kỷ thuật này. Thế nhưng phải mất 10 năm sau Hoa Kỳ mới có thể phá án thành công một vài trường hợp, trong đó có những vụ liên quan đến Trung Quốc.

Đó là những vụ xử trên đất Hoa kỳ, còn những vụ thưa kiện trên đất Trung Quốc về vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ thì còn bi quan hơn nữa. Người ta nói là Trung Quốc có thể kết án và hành huyết một người trong vòng vài tháng, nhưng những vụ tranh chấp dân sự về tài sản trí tuệ thì có thể kéo dài vô hạn định, chủ yếu là làm nản lòng bên nguyên đơn.

Nhiều nhà sản xuất trên thế giới có cảm giác như nạn ăn cắp tài sản trí tuệ đã trở thành một thứ văn hoá được bảo trợ bỡi chính nhà cầm quyền Bắc Kinh, hay ít ra là chính những cán bộ cao cấp trong chính quyền vì lợi ích cá nhân. Chính phủ TQ đã đứng sau rất nhiều hoạt động gián điệp này, nhất là Bộ An Ninh, Viện Nghiên Cứu Không Gian và Quốc Phòng. Càng ngày họ càng bạo dạng và lộ liễu đến mức lố bịch và vô liêm sĩ. Điều đó đã gây một ấn tượng rất xấu về hình ảnh giới trí thức TQ trên trường quốc tế.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, tình cờ tôi có nghe một thuyết trình viên kể lại chuyện anh ta chứng kiến việc làm rất là khó coi của phái đòan TQ tại một hội nghị khoa học ở Đức. Trong hội nghị, người đại diện TQ phát biểu không đâu vào đâu với những thông tin cũ mèm hàng 10 năm trước. Khi đến lược những quốc gia khác, người ta thấy một thành viên của nhóm TQ tiến lên phía hàng ghế đầu và chụp lấy chụp để không sót một slide nào trên màn hình. Ánh sáng từ Flash của máy ảnh làm cho thuyết trình viên khó chịu đến nỗi phải yêu cầu thành viên TQ này ngưng chụp ảnh.
Một lần khác có sự hiện diện của phái đoàn Nhật Bản với những mẫu mã và tài liệu rất hấp dẫn do họ mang tới giới thiệu. Có lẽ vì tính nhạy cảm của đề tài nên phái đoàn Nhật Bản không cung cấp tài liệu chi tiết cho tất cả mọi người. Thế là lợi dụng lúc mọi người ăn trưa, các thành viên của nhóm TQ lập tức bao vây khu vực dành do phái đòan Nhật Bản, người có máy ảnh thì chụp, người có bút thì viết lia lịa. Cũng may có một nhân viên người Nhật nhìn thấy và gọi bảo vệ đến tịch thu máy ảnh, còn những người bạn hiếu kỳ TQ kia thì phải bỏ của chạy lấy người.

Nếu ai quan tâm đến kỷ nghệ ô tô của TQ chắc không lạ gì đến những vụ thưa kiện của hầu hết tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới cáo buộc TQ ăn cắp mẫu mã và thậm chí những thông số kỷ thuật. Nếu một công ty ô tô ngoại quốc có thể phải bỏ ra từ 500 triệu đến 2 tỉ USD để thiết kế một model xe mới thì TQ có khi chỉ cần vài triệu hay nhiều lắm là vài chục triệu để mua lại bản vẽ và chĩnh sửa đôi chút. Dĩ nhiên người ta chưa bàn đến chất lượng bỡi vì chất lượng xe TQ thì gần như chắc chắn là dưới trung bình rất xa. Có người viết trên blog rằng nếu cái vỏ bên ngoài còn chưa có khả năng nghĩ ra thì làm sao bảo đảm được chất lượng của dàn máy bên trong.

Hãng GM hợp tác với Daewoo để mở một xưởng lắp ráp ô tô ở Nam Hàn. Chi nhánh này bỏ vốn hùn vào hãng Cherry của TQ. Thế là không bao lâu sau, hãng Cherry cho ra lò mẫu xe QQ giống gần như đúc với mẫu xe SPARK mà GM-Daewoo định sẽ tung vào thị trường TQ. Chỉ có điều là Cherry hoàn thành xe QQ trước SPARK đến mấy tháng. Vụ kiện này cuối cùng được phía TQ yêu cầu thương lượng ngoài toà cho nên không ai biết họ phải đền cho GM bao nhiêu cả. Cho đến nay tất cả những vụ kiện khác của Fiat, Audi, Mercedes, Toyota, Honda và Volkswagen, thậm chí BMW và Rolls Royce ... đều không đi đến đâu hoặc là bị xử thua trên đất TQ.

Những vụ chuyển giao thông tin kỷ thuật trái phép được ngăn chặn trước khi ra khỏi biên giới Hoa Kỳ cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đóng vai trò rất lớn trong những phi vụ này. Nhiều người làm việc cho cả hai phía để thu lợi trong suốt hàng chục năm. Đối với chính phủ Hoa Kỳ, đây là một vấn đề hết sức tế nhị và nan giải vì nó sẽ đụng chạm đến luật chống phân biệt đối xử. Người ta cho rằng hơn 3000 công ty của TQ có mặt tại Mỹ chủ yếu là chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo kinh tế.

Katrina Leung sau 18 năm làm điềm chỉ viên cho FBI, cuối cùng trở thành nhân viên cao cấp của Bộ An Ninh TQ. Thật là trớ trêu vì dường như chính FBI đã cố tình đào tạo Katrina thành nhân viên phản gián, chi trả cho bà đến 1.7 triệu đô , để rồi cuối cùng bà ta làm hại cho Hoa Kỳ nhiều hơn là cho phía TQ. Vụ án này có lẽ đụng chạm đến nhiều lĩnh vực tế nhị nên cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ chỉ có thể buộc được tội nói dối và gian lận thuế mà thôi.

Một trường hợp khác, 2 người đàn ông gốc Hoa bị bắt ngay tại phi trường với đầy đủ bản vẻ có đóng dấu "mật" của hãng điện tử Sun Microsystems, Inc. và Transmeta Corporation. Một trong hai người này đã lấy những tài liệu đó từ chỗ làm cũ của họ và mang sang TQ để mở hãng điện tử riêng.

Nhiều thông tin kỷ thuật được mua bỡi những công ty sản xuất hàng gia dụng nhưng thực chất sau đó được chuyển giao cho bộ quốc phòng hay cơ quan nghiên cứu không gian TQ để sản xuất vũ khí cao cấp hay thiết bị không gian.

Đó là chưa kể đến ngành kỷ nghệ đồ gia dụng với vô số món hàng được sản xuất gần như rặp khuôn hàng hoá của Hoa Kỳ hay Nhật mà không phải đối phó với bất kỳ một trở ngaị pháp lý nào. Ngành dược phẩm TQ dưới sự bảo vệ của chính phủ thậm chí đã cho sản xuất thuốc có cùng công thức với Viagra mặc cho bao nhiêu phản đối từ Pfizer.

Thêm vào đó là nạn sao chép đỉa và software lậu tràn lan như đã xảy ra ở VN, làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ phải chịu thiệt hại trên mọi lĩnh vực. Bộ Thương Mại Hoa kỳ đã có lần nói thẳng vào hiện trạng này, thậm chí chính phủ Mỹ cũng đã từng chính thức đệ đơn thưa TQ tại WTO . Tuy chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền , chủ yếu là tịch thu sản phẩm vi phạm bản quyền hoặc phạt rất ít tiền mà không kèm theo án tù nào cả. Những trò "dơ cao đánh khẻ" như thế có lẽ còn rất lâu mới có thể có tác động đáng kể đến ý thức của giới kinh doanh TQ nói riêng và người dân TQ nói chung. Việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phải xuất phát từ ý thức của từng người dân. Chính nhà nước phải làm gương và phải đưa nó vào chương trình giảng dạy đạo đức cho học sinh từ khi còn bé.

Ở các trường đại học ở Mỹ khi ghi danh, tất cả các sinh viên phải cam đoan không gian lận và phải luôn tuân theo những quy định về tôn trọng tác quyền khi trích dẫn hay sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác. Vi phạm những điều đó là một sự sĩ nhục cho người trí thức bỡi vì nó không khác gì với tội ăn cắp. Tệ hơn nữa nếu có ai đó bê nguyên xi công trình của người khác rồi thay tên mình vào bất chấp sự phản đối của tác giả thì đó không còn là ăn cắp nữa, mà là ăn cướp. Nạn ăn cướp tài sản trí tuệ này đã góp phần không nhỏ vào sự phồn vinh của nền kinh tế TQ hiện nay. Mong rằng Việt Nam sẽ không theo đuôi TQ trong lĩnh vực này mà hãy học lấy bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có thể người TQ chưa nhận ra ngay nhưng những thế hệ tiếp theo chắc chắn sẽ phải trả giá cho sai lầm đó. "Dân trí" của TQ hiện nay có thể chưa cao nhưng nếu "Đảng trí" cũng không khá hơn thì hậu quả sẽ khôn lường. Có người mĩa mai Hồ Cẫm Đào khi viết trên blog rằng ông Hồ là vị lãnh tụ từng tốt nghiệp ngành ăn cắp bản quyền. Có lẽ nói thế là không công bình đối với những người ăn cắp vì không những ăn cắp mà cụ Hồ còn lãnh đạo cả hơn một tỉ dân đi ăn cướp trắng trợn những gì mà ổng muốn, bất chấp đạo lí và luật pháp.

12-02-2008 11:11 PM

Saturday, May 20, 2006

Văn tế sống các quan tham

Saigon-Vietnam's Blog

Hỡi ôi

Sống chẳng nên người
Chết không thành quỷ

Bao nhiêu năm luồn cúi chạy chức chạy quyền lại xuống vầy sao
Bấy chừ ngày lặng lội phong bì phong biết mới lên được thế

Mới ngày nào nón cối dép râu, có bạn có bè dong ruổi khắp nơi
Mà giờ này giường tội chăn tù, chả vợ chả con loanh quanh một chỗ

Âu là cái kiếp con zòi nằm đâu xơi đó sao cho mau lớn để hành dân
Chẳng qua thân phận đảng viên gặp gì xực nấy miễn sao chóng no mà làm giặc.

Đánh tớ cũng nể đầu chủ, có ô dù mới được nên thân
Rầy con phải cử mặt cha, không đút lót lấy gì lên chức

Khi được của thì cùng chén cùng ăn!
Lúc mất mạng sao một mình một ngựa?

Rồi mai đây con cháu tốt nghiệp về nước biết cậy ai mà gầy dựng tương lai?
Nếu sau này anh em mãn hạn ra tù phải làm gì để thu hồi cơ nghiệp?

Này mấy quan Cục quan Khu quan Tỉnh quan Phường
Bớ các ông Tổng ông Tang ông Ban ông Bộ

Mấy bố không làm thì không hưởng đừng có dở trò trâu cột trâu ăn.
Các ông có ăn thì có chịu sao lại chơi kiểu đổi xe thí tốt

Kẻ tham ô bạc tỉ thì ung dung hạ cánh an toàn
Người thụt két vài cây lại ngầm ngùi đưa thân vào cũi

Thân yếu thế cô, số phận an bài
Sức cùn lực kiệt, tội cao hơn núi


Hỗ thẹn thay

Đầy tớ gì mà quyền cao chức trọng bổng lộc phủ phê
Chủ nhân sao lại nhà dột cột xiêu chạy ăn từng bữa?

Đèo bu họ mấy lũ tham quan phản bạn lừa thầy
Chém cha nó cái đám mị dân tham tiền cố vị

Lương tháng có mấy xu sao có người hầu người hạ, xe hơi biệt thự tậu khắp nơi
Trình độ chưa đến đâu mà làm hết ông nọ bà kia, bằng cấp bằng khen chưng đầy tủ

Lập phe lập nhóm trù dập người ngay
Kéo cánh kéo bè bao che kẻ ác

Chiếm nhà lấy đất đồng bào, mặc sức ăn chia
Giành công đoạt của nhân dân, tranh nhau hưởng thụ

Tham quá thì thâm
Ăn nhiều tức bụng

Thôi thì

Nguyện cho mấy bác mau phục hồi sức khỏe chờ lúc hoàn lương
Mong sao các ông sớm ổn định tinh thần đợi ngày ân xá

Của chìm của nổi vẫn còn nguyên sợ gì phải thiếu mặc thiếu ăn
Lý lịch mấy đời cứ trong sáng lo chi không ăn trên ngồi tróc

Hỡi ôi!

20-05-2006, 03:15 AM