Thursday, April 20, 2006

Số phận dân xuất khẩu lao động Bắc Triều Tiên ở Nga

Saigon-Vietnam's Blog

Xuất khẩu lao động từ những nước nghèo đã trở thành chuyện bình thường. Khi mới bắt đầu vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, phong trào lao động hợp tác ở VN đã giúp cải thiện không ít đời sống cán bộ đảng viên cao cấp từ trung ương đến địa phương. Nhà nước giao chỉ tiêu xuống từng tỉnh thành, và tự mỗi địa phương tìm cách chia chát tùy ý. Với quota cở 200 người cho mỗi tỉnh phía Nam thì chỉ có hàng tỉnh ủy, thành ủy mới có cơ hội mà thôi. Chẳng bao lâu sau, hàng tiêu dùng từ Đông Âu, xe gắn máy Babetta v.v... đua nhau chạy vào thị trường VN chứng tỏ hiệu quả kinh tế của việc xuất khẩu lao động thời đó.

Ngày nay, thị trường việc làm ở những nước hậu CS không còn nữa, nhưng bù lại nhiều thị trường khác đang mở ra cho người lao động VN. Tuy còn một số việc chưa ổn như xuất khẩu ô sin, cô dâu, hay hiện tượng ăn chận lương công nhân v.v..., nhìn chung công nghiệp xuất khẩu lao động của VN đã phần nào mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực, nhất là đối với những vùng nông thôn.

Ở VN ngày nay, chính nhờ tính phổ cập của việc xuất khẩu lao động nên ngày càng có nhiều người có cơ hội tham gia chớ không chỉ riêng đảng viên và gia đình cán bộ. Thật tình mà nói ở cái thời đảng viên làm kinh tế này thì chuyện xuất khẩu lao động là chuyện chỉ dành cho giai cấp vô sản, chớ đảng viên thì có khối cơ hội làm giàu ngay tại VN mà khỏi phải lao động gì cả.

Được như thế, kể ra dân mình phải biết ơn Đảng và nhà nước mới phải, vì người lao động VN còn sướng gấp nhiều lần dân xuất khẩu lao động (XKLĐ) Bắc Triều Tiên (BTT). Tình hình XKLĐ ở BTT hiện nay vẫn còn giống VN trong những năm 80, thậm chí còn tệ hơn thế nữa.

Để phục vụ cho tham vọng hạt nhân của nhà họ Kim, dân Bắc Triều Tiên phải mang những món nợ khổng lồ từ Liên Xô cũ. Và để trả nợ, chính quyền Bắc Triều Tiên từ đời Kim Il Sung đã gửi dân lao động sang làm việc khổ sai ở Liên Xô, và ngày nay Kim Jong Il lại tiếp tục con đường này để trả dần món nợ còn lại mà Putin đã dứt khoát không bao giờ chịu xóa.

Một người đàn ông gầy còm sau nhiều năm làm việc vất vả đã nói với phóng viên báo Le Monde Diplomatique: "Tôi không sợ khi kể về mình, vì đây là sự thật." Ông ta trông giống như người địa phương của vùng rừng rậm mênh mông phía bắc nước Nga. Nhưng thật ra ông ta là người Bắc Triều Tiên, xuất thân từ Nampo. Từng làm tài xế cho nhà nước BTT được 10 năm thì ngã bệnh. Vì không còn cách nào kiếm ra tiền nên ông đã đăng ký đi làm công nhân khai thác gỗ ở Nga. Đến Nga và năm 1995 và được đưa đến một trại lao động ở Tynda.

Dân khai thác gỗ Bắc TT đã từng làm việc trong các khu rừng ven sông Taiga về phía Đông nước Nga từ mấy mươi năm qua. Hiện có một cộng đồng rất lớn người Bắc TT tại vùng Amur ở Khabarovsk. Vùng cực Đông chỉ chiếm khoảng 5% dân số nhưng lại có diện tích bằng 30% diện tích liên bang, vì vậy rất khó tìm nhân công trong khu vực này. Do vị trí địa lý và lịch sử mà vùng này có quan hệ khá mật thiết với Bắc TT. Mối quan hệ này hiện vẫn còn tồn tại sau khi Liên Xô sụp đỗ. Sau nhiều nhiều cuộc gặp gỡ giữa 2 chính phủ, tuyến đường sắt Vladivostok và Bình Nhưỡng được mở lại, ngoài ra còn có 1 chuyến bay mỗi tuần giữa 2 thành phố này.

Theo nhà sử học Larisa Zabrovskaya ở Vladivostock, thì có 3 làn sóng dân xuất khẩu lao động từ Bắc TT đến Nga trong thế kỷ 20.

Lần thứ nhất là vào cuối chiến tranh thế giới thứ hai và sự ra đời của nhà nước Bắc TT để cung cấp lao động cho những nhà máy chế biến cá của Liên Xô. Trong những năm 50 đó, có khoảng 25 ngàn lao động và thân nhân của họ sinh sống trên đất Liên Xô.

Lần thứ hai là từ năm 1966, sau cuộc gặp gỡ bí mật giữa Leonid Brezhnev và Kim Il Sung ở Vladivostok. BTT thỏa thuận cung cấp cho LX từ 15 đến 20 ngàn công nhân khai thác gỗ mỗi năm.

Vào thời kỳ đó, chỉ những tù nhân hình sự, chính trị, những người đối kháng Kim Il Sung mới có cái vinh dự được xuất khẩu sang LX mà thôi. Vì nơi họ đến là vùng hoang vu lạnh giá không người ở, thậm chí không cần hàng rào kẻm gai vì chẳng ai có phương tiện để trốn thoát cả.

Ngày nay thì tình hình có khác. Người lao động BTT được tự do đi lại hơn. Tuy nhiên điều kiện làm việc của họ như thế nào thì vẫn còn là điều bí mật. Hàng năm có khoảng 10 ngàn người BTT được cấp visa lao động sang Nga.

Để tìm hiểu thêm về hiện trạng này, phóng viên báo Le Monde Diplomatique đã tìm gặp những mục sư người Nam Hàn làm việc ở Vladivostok, những người vốn có nhiều quan hệ với dân nhập cư BTT. Ngoài ra, để tiếp cận đối tượng, phóng viên còn phải tìm cách qua mặt công an địa phương vì chính quyền Nga đã xiết chặt kiểm soát kể từ năm 2004 sau khi có 2 lao động BTT xin tị nạn tại tòa lãnh sự Mỹ và Nam hàn.

Một công nhân BTT tiết lộ: "Giờ làm việc tùy theo từng trại. Tôi làm ở một trại khá xa, từ 16-17 giờ mỗi ngày, 7 ngày mỗi tuần. Những người làm ở trại chính thì chỉ làm 12-14 giờ. Những ngày nghỉ bao gồm Tết dương lịch, sinh nhật Kim Il Sung, sinh nhật Kim Jong Il và ngày thành lập đảng (đảng Lao Động TT), ngày xưa thì được nghỉ cở 7 ngày mỗi năm. Mùa Đông ở đây có thể lạnh đến -60 độ C. Tuy nhiên cái lạnh cũng chưa khổ bằng cái đói. Khẩu phần chỉ có 150g cơm và một chén soup cho mỗi bữa ăn."

Làm bất cứ gì để được đi

Để tuyển lao động sang Nga, nhà cầm quyền BTT đã tuyên truyền về nguồn lợi nhuận hấp dẫn từ trị giá ngoại tệ. Người lao động có thể ký hợp đồng 3 năm hoặc hơn nữa. Với tình trạng kinh tế trì trệ, BTT không bao giờ thiếu người muốn sang Nga lao động. Tuy nhiên, người XKLĐ phải là đảng viên, có giấy giới thiệu của cán bộ Đảng, phải là đàn ông có gia đình, và gia đình của họ phải còn ở BTT (như con tin), và cuối cùng là phải có sức khỏe tốt. Những người thiếu điều kiện sức khỏe thì có thể đút lót để được chọn.

Tai nạn lao động là mối đe dọa hàng ngày đối với công nhân khai thác gỗ. Thương tích do cây đè thường dẫn đến gãy tay, chân, có khi phải đoản chi. Mỗi trại có bác sĩ, nhưng thuốc thì không, nếu có thì cũng hết hạn sử dụng. Nếu có tiền thì sẽ được điều trị tốt hơn, và nếu phải nghỉ bệnh thì sẽ bị trừ lương.

Dân làm gỗ BTT không được phép vào bệnh viện Nga. Mỗi trại gỗ là một xã hội khép kín, không được giao tiếp với bên ngoài. Tuy nhiên, trại viên cũng có cách để mua bán trao đổi lén lúc với người bản xứ ở khu vực lân cận. Họ phải vượt qua vòng kiểm soát rất nghiêm ngặt của công an BTT, ai vi phạm sẽ bị phạt rất nặng. Nếu bị bắt vì tội bỏ trốn có thể phải bị biệt giam.

Chỉ tiêu xẻ gỗ được thỏa thuận giữa chủ trại, chính phủ Nga và chính phủ BTT. Phần gỗ tốt nhất ở gần gốc là của Nga, phần trung bình thuộc về BTT, phần còn lại xuất khẩu sang Trung Quốc hay Nhật Bản. Lương được lãnh bằng tem phiếu và chỉ có giá trị trao đổi ở BTT mà thôi, vì vậy người ta gữi cả về cho thân nhân trong nước. Tuy nhiên những người trở về BTT cho biết là loại tem phiếu này chỉ dùng được ở một số cửa hàng mà ai cũng biết là chẳng có hàng hóa gì để mua.

Cách những trại gỗ không xa là cảng Vladivostok nhìn ra biển Nhật Bản. Cảng này không mở cửa cho người nước ngoài trong hầu như suốt thời kỳ cộng sản ở Liên Xô. Ngày nay nó đã được hồi sinh với hàng loạt công trình xây dựng và trở thành điểm đến hấp dẫn cho du khách cũng như người lao động BTT. Năm 2004 đã có 262.775 du khách Trung Quốc và 13.294 lao động BTT đến đây.

Công nhân xây dựng BTT ở Vladivostok hầu hết đều là người từ thủ đô Bình Nhưỡng. Có lẽ công ty tuyển dụng muốn người lao động từ thành phố để dễ hội nhập vào cuộc sống ở đây, và như thế sẽ hạn chế tình trạng bỏ trốn.

[B]Lao động rẻ tiền nhưng cần cù[/B]

Báo chí địa phương mô tả Koretsky (dân lao động BTT) là "nhanh, rẻ và cần cù". Giới chủ nhân thì nói "họ chịu làm trước, lãnh tiền sau". Dân thường cũng có thể thuê họ làm việc lặt vặt như sơn nhà hay xây tường v.v... Ai cũng biết họ sống thế nào, thường thì ngủ ngay ở công trình. Cực khổ là thế, nhưng ít ra họ cũng kiếm được chút ít tiền khi xong việc.

Tuy nhiên, thực tế phủ phàng hơn nhiều. Công ty tuyển dụng của Kim Jong Il không hứa hẹn việc làm gì cả. Họ chỉ có trách nhiệm đưa công nhân sang Nga, sau đó thu hồi thông hành và chờ đến tháng thì thu tiền lệ phí bất kể người lao động có việc hay không. Người lao động phải tự tìm việc thông qua quảng cáo hay môi giới. Mỗi người phải nộp cho nhà nước BTT 250 euros mỗi tháng, trong khi lương chính thức của một giảng viên đại học ở Vladivostok chỉ có 125 euros mà thôi.

Với mức thuế khoán cao ngất ngưởng như thế, chỉ có một số ít là có thể để dành chút đỉnh nếu có khả năng và may mắn làm nhiều job cùng một lúc. Có người chỉ mong dành dụm được chút ít là trở về BTT ngay sau khi mãn hạn hợp đồng để tìm đường sang Mã Lai hay Kuwait lao động.

Cuộc sống trong những trại gỗ, nông trại hay trên công trường ở Nga không khác gì địa ngục trần gian khiến cho một số lao động chẳng còn cách nào khác hơn là bỏ trốn mặc cho những hậu quả mà thân nhân của họ còn ở lại BTT phải gánh chịu. Một công nhân kể lại là sau một năm rưỡi làm việc mà không có một đồng tiền mặt anh ta quyết định bỏ trốn cùng 3 người bạn. Vì nhà ga địa phương không được phép bán vé cho dân lao động BTT nên nhóm bỏ trốn phải lo lót cho tài xế của trại chở họ đến một thị trấn xa hơn để có thể mua vé xe lửa như người bình thường.

Một trong bốn người nói được chút ít tiếng Nga nên cả nhóm phải luôn sống chung để nương tựa vào nhau. Họ tìm đến vùng mỏ Uranium gần biên giới Nga-Trung và làm thợ xây dựng ở đó khoảng 1 năm. Năm 1999 họ về Vladivostok để tìm cách đào thoát sang Nam hàn. Từ đó đến nay vẫn chưa có cơ hội nên phải luôn lẫn tránh nhà cầm quyền vì sợ bị trục xuất về BTT.

Với nhân diện tiêu biểu của người Á Đông, họ rất dễ bị phát hiện vì cảnh sát Nga luôn ráo riết săng lùng dân nhập cư bất hợp pháp từ Trung Quốc. Người ta ước chừng có khoảng 2000 dân Trung Quốc nhập cư bất hợp pháp sống rải rác từ Vladivostok đến Moscow.

Theo quy chế tị nạn của Liên Hiệp Quốc thì người công nhân BTT cung cấp tin tức cho nhà báo nêu trên có đủ điều kiện để hưởng quyền tị nạn. Tuy nhiên chính phủ Nga không công nhận, chả thế bất kỳ ai bị bắt trên đường trốn thoát đều sẽ bị trục xuất về địa ngục cộng sản ở BTT.

(Theo Alain Devalpo - Le Monde Diplomatique - Tháng 4, 2006)

20-04-2006, 11:30 PM