Tuesday, February 12, 2008

Từ gián điệp kinh tế đến văn hoá ăn cướp

Saigon-Vietnam's Blog

Sống ở những quốc gia kém phát triển ai cũng quá quen thuộc với tình trạng hàng giả, hàng nhái. Dân Sài Gòn thường hay nói "made in Hongkong bên hong Chợ Lớn" cũng có cái nguyên nhân xâu sa của nó. Tại sao lại không là "bên hong Bà Chiểu" hay "bên hong Gia Định" v.v...? Nguyên nhân khách quan là vì Chợ Lớn vốn từ xưa nay vẫn là trung tâm tiểu thủ công nghiệp và thương mại của cả thành phố Sài Gòn. Nguyên nhân chủ quan là do chính những đầu óc năng động cũng như bàn tay khéo léo của cộng động người Hoa sinh sống tại Chợ Lớn.

Hầu như người Hoa nào, cho dù sống bất kỳ nơi nào trên thế giới đều muốn duy trì cái truyền thống "phi thương bất phú" của tổ tiên. Vì vậy, đối với những người lập nghiệp từ hai bàn tay trắng thì buôn bán hầu như là cách sinh nhai duy nhất.

Lúc nhỏ tôi ở trọ nhà một gia đình người Hoa ở Cần Thơ để đi học, vào những năm cuối của thập niên 70, những năm lũ lụt và thiếu đói. May mắn có người con trai của ông chủ lớn hơn tôi 5 tuổi nhưng chơi chung rất thân và nhân đó tôi mới biết thêm một số bí mật làm ăn của cộng đồng người Hoa ở Phụng Hiệp (Ngã Bảy). Anh rất chất phát và thân thiện, thậm chí kể cho tôi nghe những bí mật nhà nghề mà người khác có bỏ tiền ra cũng chưa chắc gì mua được. Đó là những bí quyết làm rượu Tây từ nước sông Ngã Bảy, làm nước tương 0 độ đạm từ thứ phẩm của nhà máy bột ngọt, làm trắng đường tinh, và sau cùng là bí quyết rang cà phê v.v... Nói chung, tôi không quan tâm mấy đến những chi tiết kỷ thuật bỡi vì chưa chắc nó chính xác, nhưng cái mà tôi phải suy nghĩ nhiều nhất là bí quyết học nghề, hay đúng hơn là "ăn cắp nghề" của họ. Thường thì những chuyện như thế xảy ra trong vòng khép kín của cộng đồng người Hoa nên người ngoài không hề biết.

Hầu hết tất cả các bí kiếp làm đồ giả hay sản xuất trên đều do chính anh ta bỏ thời gian ra đi "học" rồi mang về làm cho gia đình. Các bước tiến hành đều giống nhau : tìm cách sống chung, làm chung với người sản xuất rồi học nghề trực tiếp, sau đó bỏ chủ về quê làm cho gia đình. Có khi là giả vờ làm công, có khi là chính thức bỏ tiền ra học nghề. Lần cuối cùng tôi chứng kiến anh ta đi Ban Mê Thuộc nói là bỏ một số tiền ra học nghề rang cà phê. Khoảng 1 năm sau anh trở về quê và mở lò rang tại nhà.

Dĩ nhiên là tôi đã không phụ lòng của người bạn này, không hề dùng những thông tin đó để tư lợi hay làm hại ai. Mãi cho đến hôm nay, khi tìm hiểu về tâm tính của người Trung Hoa cũng như cung cách làm ăn của họ, nhất là dưới sự quản lý của nhà cầm quyền TQ, tôi mới nghiệm ra một điều là trong thâm tâm, người Trung Hoa nói chung, và dân Trung Hoa lục địa nói riêng chưa có ý thức tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác, thậm chí có thể vì lợi nhuận mà xem thường sự an toàn cho người tiêu dùng. Nghiêm trọng hơn cả là ý thức của giới hữu trách Trung Quốc về vấn đề này. Họ dường như ngấm ngầm, thậm chí có trường hợp công khai ủng hộ cho những hoạt động phạm pháp này. Sự kém hiểu biết của một nhóm người nhỏ thì còn chấp nhận được, nhưng của cả một chính phủ hay của một nền kinh tế thì quả là nghiêm trọng.

Học nghề để tự làm ra sản phẩm là chuyện bình thường. Thậm chí reverse engineering là việc làm hàng ngày của tất cả các nhà sản xuất trên thế giới. Tuy nhiên mục đích của nó chỉ là để nghiên cứu học hỏi từ sản phẩm của đối phương rồi tìm cách cải thiện sản phẩm của mình chớ không phải sao chép. Vào thời kỳ mới phát triển, Nhật Bản phạm phải sai lầm này vào những năm 60-70, nhất là ở khâu thiết kế nên từng bị mang tiếng là "ăn cắp" mẫu mã và bị xem thường ở thị trường Âu Mỹ. Cũng may là người Nhật đã sớm nhận ra điều này và khắc phục nhanh chóng. Người Đại Hàn theo gương người Nhật nên nền công nghiệp của họ phát triển rất chắc chắn. Ngày nay, hàng hoá của 2 quốc gia này đã có khả năng cạnh tranh gần như tuyệt đối ở ngay cả những thị trường khó tính nhất trên thế giới.

Nói như thế không có nghĩa là các quốc gia này không có tình báo kinh tế. Vấn đề là ở qui mô nào và phương thức ra sao cũng như phạm vi ứng dụng những thông tin đó. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã trở thành cái nơi xuất xứ của một lực lượng gián điệp kinh tế lớn nhất thế giới. Đối tượng của họ là các nước phát triển, đứng đầu là Hoa Kỳ.

Các công ty lớn của Hoa Kỳ cho biết, thông qua một cuộc thăm dò ý kiến của FBI và bộ Thương Mại Hoa Kỳ, Trung Quốc chính là mối đe doạ rò rĩ thông tin kỷ thuật lớn nhất (chiếm hơn 20%) so với tất cả các khu vực khác trên thế giới. Năm 1996, tổng thống Clinton ban hành những điều luật bảo vệ tài sản trí tuệ mới nhằm đối phó với nạn ăn cắp thông tin kinh tế và kỷ thuật này. Thế nhưng phải mất 10 năm sau Hoa Kỳ mới có thể phá án thành công một vài trường hợp, trong đó có những vụ liên quan đến Trung Quốc.

Đó là những vụ xử trên đất Hoa kỳ, còn những vụ thưa kiện trên đất Trung Quốc về vi phạm quyền sở hữu tài sản trí tuệ thì còn bi quan hơn nữa. Người ta nói là Trung Quốc có thể kết án và hành huyết một người trong vòng vài tháng, nhưng những vụ tranh chấp dân sự về tài sản trí tuệ thì có thể kéo dài vô hạn định, chủ yếu là làm nản lòng bên nguyên đơn.

Nhiều nhà sản xuất trên thế giới có cảm giác như nạn ăn cắp tài sản trí tuệ đã trở thành một thứ văn hoá được bảo trợ bỡi chính nhà cầm quyền Bắc Kinh, hay ít ra là chính những cán bộ cao cấp trong chính quyền vì lợi ích cá nhân. Chính phủ TQ đã đứng sau rất nhiều hoạt động gián điệp này, nhất là Bộ An Ninh, Viện Nghiên Cứu Không Gian và Quốc Phòng. Càng ngày họ càng bạo dạng và lộ liễu đến mức lố bịch và vô liêm sĩ. Điều đó đã gây một ấn tượng rất xấu về hình ảnh giới trí thức TQ trên trường quốc tế.

Trong một cuộc hội thảo gần đây, tình cờ tôi có nghe một thuyết trình viên kể lại chuyện anh ta chứng kiến việc làm rất là khó coi của phái đòan TQ tại một hội nghị khoa học ở Đức. Trong hội nghị, người đại diện TQ phát biểu không đâu vào đâu với những thông tin cũ mèm hàng 10 năm trước. Khi đến lược những quốc gia khác, người ta thấy một thành viên của nhóm TQ tiến lên phía hàng ghế đầu và chụp lấy chụp để không sót một slide nào trên màn hình. Ánh sáng từ Flash của máy ảnh làm cho thuyết trình viên khó chịu đến nỗi phải yêu cầu thành viên TQ này ngưng chụp ảnh.
Một lần khác có sự hiện diện của phái đoàn Nhật Bản với những mẫu mã và tài liệu rất hấp dẫn do họ mang tới giới thiệu. Có lẽ vì tính nhạy cảm của đề tài nên phái đoàn Nhật Bản không cung cấp tài liệu chi tiết cho tất cả mọi người. Thế là lợi dụng lúc mọi người ăn trưa, các thành viên của nhóm TQ lập tức bao vây khu vực dành do phái đòan Nhật Bản, người có máy ảnh thì chụp, người có bút thì viết lia lịa. Cũng may có một nhân viên người Nhật nhìn thấy và gọi bảo vệ đến tịch thu máy ảnh, còn những người bạn hiếu kỳ TQ kia thì phải bỏ của chạy lấy người.

Nếu ai quan tâm đến kỷ nghệ ô tô của TQ chắc không lạ gì đến những vụ thưa kiện của hầu hết tất cả các nhà sản xuất ô tô trên thế giới cáo buộc TQ ăn cắp mẫu mã và thậm chí những thông số kỷ thuật. Nếu một công ty ô tô ngoại quốc có thể phải bỏ ra từ 500 triệu đến 2 tỉ USD để thiết kế một model xe mới thì TQ có khi chỉ cần vài triệu hay nhiều lắm là vài chục triệu để mua lại bản vẽ và chĩnh sửa đôi chút. Dĩ nhiên người ta chưa bàn đến chất lượng bỡi vì chất lượng xe TQ thì gần như chắc chắn là dưới trung bình rất xa. Có người viết trên blog rằng nếu cái vỏ bên ngoài còn chưa có khả năng nghĩ ra thì làm sao bảo đảm được chất lượng của dàn máy bên trong.

Hãng GM hợp tác với Daewoo để mở một xưởng lắp ráp ô tô ở Nam Hàn. Chi nhánh này bỏ vốn hùn vào hãng Cherry của TQ. Thế là không bao lâu sau, hãng Cherry cho ra lò mẫu xe QQ giống gần như đúc với mẫu xe SPARK mà GM-Daewoo định sẽ tung vào thị trường TQ. Chỉ có điều là Cherry hoàn thành xe QQ trước SPARK đến mấy tháng. Vụ kiện này cuối cùng được phía TQ yêu cầu thương lượng ngoài toà cho nên không ai biết họ phải đền cho GM bao nhiêu cả. Cho đến nay tất cả những vụ kiện khác của Fiat, Audi, Mercedes, Toyota, Honda và Volkswagen, thậm chí BMW và Rolls Royce ... đều không đi đến đâu hoặc là bị xử thua trên đất TQ.

Những vụ chuyển giao thông tin kỷ thuật trái phép được ngăn chặn trước khi ra khỏi biên giới Hoa Kỳ cho thấy cộng đồng người Mỹ gốc Hoa đóng vai trò rất lớn trong những phi vụ này. Nhiều người làm việc cho cả hai phía để thu lợi trong suốt hàng chục năm. Đối với chính phủ Hoa Kỳ, đây là một vấn đề hết sức tế nhị và nan giải vì nó sẽ đụng chạm đến luật chống phân biệt đối xử. Người ta cho rằng hơn 3000 công ty của TQ có mặt tại Mỹ chủ yếu là chỉ nhằm mục đích thu thập thông tin tình báo kinh tế.

Katrina Leung sau 18 năm làm điềm chỉ viên cho FBI, cuối cùng trở thành nhân viên cao cấp của Bộ An Ninh TQ. Thật là trớ trêu vì dường như chính FBI đã cố tình đào tạo Katrina thành nhân viên phản gián, chi trả cho bà đến 1.7 triệu đô , để rồi cuối cùng bà ta làm hại cho Hoa Kỳ nhiều hơn là cho phía TQ. Vụ án này có lẽ đụng chạm đến nhiều lĩnh vực tế nhị nên cuối cùng chính phủ Hoa Kỳ chỉ có thể buộc được tội nói dối và gian lận thuế mà thôi.

Một trường hợp khác, 2 người đàn ông gốc Hoa bị bắt ngay tại phi trường với đầy đủ bản vẻ có đóng dấu "mật" của hãng điện tử Sun Microsystems, Inc. và Transmeta Corporation. Một trong hai người này đã lấy những tài liệu đó từ chỗ làm cũ của họ và mang sang TQ để mở hãng điện tử riêng.

Nhiều thông tin kỷ thuật được mua bỡi những công ty sản xuất hàng gia dụng nhưng thực chất sau đó được chuyển giao cho bộ quốc phòng hay cơ quan nghiên cứu không gian TQ để sản xuất vũ khí cao cấp hay thiết bị không gian.

Đó là chưa kể đến ngành kỷ nghệ đồ gia dụng với vô số món hàng được sản xuất gần như rặp khuôn hàng hoá của Hoa Kỳ hay Nhật mà không phải đối phó với bất kỳ một trở ngaị pháp lý nào. Ngành dược phẩm TQ dưới sự bảo vệ của chính phủ thậm chí đã cho sản xuất thuốc có cùng công thức với Viagra mặc cho bao nhiêu phản đối từ Pfizer.

Thêm vào đó là nạn sao chép đỉa và software lậu tràn lan như đã xảy ra ở VN, làm cho nền kinh tế Hoa Kỳ phải chịu thiệt hại trên mọi lĩnh vực. Bộ Thương Mại Hoa kỳ đã có lần nói thẳng vào hiện trạng này, thậm chí chính phủ Mỹ cũng đã từng chính thức đệ đơn thưa TQ tại WTO . Tuy chính phủ Trung Quốc đã có một số động thái để giải quyết tình trạng vi phạm bản quyền , chủ yếu là tịch thu sản phẩm vi phạm bản quyền hoặc phạt rất ít tiền mà không kèm theo án tù nào cả. Những trò "dơ cao đánh khẻ" như thế có lẽ còn rất lâu mới có thể có tác động đáng kể đến ý thức của giới kinh doanh TQ nói riêng và người dân TQ nói chung. Việc tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ phải xuất phát từ ý thức của từng người dân. Chính nhà nước phải làm gương và phải đưa nó vào chương trình giảng dạy đạo đức cho học sinh từ khi còn bé.

Ở các trường đại học ở Mỹ khi ghi danh, tất cả các sinh viên phải cam đoan không gian lận và phải luôn tuân theo những quy định về tôn trọng tác quyền khi trích dẫn hay sử dụng sản phẩm trí tuệ của người khác. Vi phạm những điều đó là một sự sĩ nhục cho người trí thức bỡi vì nó không khác gì với tội ăn cắp. Tệ hơn nữa nếu có ai đó bê nguyên xi công trình của người khác rồi thay tên mình vào bất chấp sự phản đối của tác giả thì đó không còn là ăn cắp nữa, mà là ăn cướp. Nạn ăn cướp tài sản trí tuệ này đã góp phần không nhỏ vào sự phồn vinh của nền kinh tế TQ hiện nay. Mong rằng Việt Nam sẽ không theo đuôi TQ trong lĩnh vực này mà hãy học lấy bài học từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Có thể người TQ chưa nhận ra ngay nhưng những thế hệ tiếp theo chắc chắn sẽ phải trả giá cho sai lầm đó. "Dân trí" của TQ hiện nay có thể chưa cao nhưng nếu "Đảng trí" cũng không khá hơn thì hậu quả sẽ khôn lường. Có người mĩa mai Hồ Cẫm Đào khi viết trên blog rằng ông Hồ là vị lãnh tụ từng tốt nghiệp ngành ăn cắp bản quyền. Có lẽ nói thế là không công bình đối với những người ăn cắp vì không những ăn cắp mà cụ Hồ còn lãnh đạo cả hơn một tỉ dân đi ăn cướp trắng trợn những gì mà ổng muốn, bất chấp đạo lí và luật pháp.

12-02-2008 11:11 PM

No comments: