Sunday, April 06, 2008

Bãi rác lương tâm

Saigon-Vietnam's Blog

Con người khi cống hiến cho xã hội bao giờ cũng mong mỏi được đền bù xứng đáng và công bằng. Tuy nhiên nếu xã hội có đặc biệt chiếu cố mà đền bù trên mức cần thiết thì có ai dại gì mà không nhận? Tương tự, nếu luật pháp chỉ dựa vào sự tự giác nhận tội của con người thì chắc không ai vào tù cả. Vậy mà Đảng đã tồn tại dựa trên những cái luật bất cập đó suốt bao nhiêu năm qua.

Sự đãi ngộ đảng viên quá mức cần thiết cùng với hình thức kỷ luật hết sức tượng trưng đã biến Đảng thành một tổ chức mafia đỏ thao túng đất nước. Cái thẻ Đảng giờ đã trở thành cái giấy phép hành nghề tham nhũng chuyên nghiệp.

Tham nhũng như bọt hơi nước nổi lên từ đáy nồi. Không ai biết nó sẽ xuất hiện ở đâu trước, chỉ biết là nó cứ nở rộ từ dưới lên trên, càng lên cao càng to. Càng to càng nổ lớn.

Ban thanh tra chính phủ toàn những tay trùm tham nhũng (trưởng, phó đều có) vậy thì Đảng làm sao đây? Thủ tướng là người thế nào mà thuộc cấp toàn là bọn tham nhũng như thế? Một chính phủ mà có quá nhiều bộ tham nhũng thì làm sao chỉnh đốn được? Nếu ông Khải mà làm thủ tướng Thái Lan thì chắc tuần qua không còn chỗ trống trong nhà giam trên khắp cả nước cho những người biểu tình rồi. Làm gì có đến chuyện từ chức!

Thách thức của chính phủ không phải là chỉ làm thí điểm 1 bộ, mà phải làm cho ra tiêu cực ở tất cả các bộ, ngành khác. Muốn chống tham nhũng có hiệu quả thì Đảng phải có người liêm khiết 100%, đồng thời có năng lực, uy tín và can đảm. Tìm đâu ra? Nếu do một phép lạ nào đó mà Đảng tìm ra một người như thế thì liệu có chọi lại nỗi 2 triệu cái đầu trì trệ còn lại không? Dĩ nhiên là không.

Giao thông và xây dựng thì ăn xi măng, sắt thép, tài nguyên môi trường thì ăn đất, năng lượng thì ăn xăng dầu, đầu tư thì ăn quota, tài chánh thì ăn đô la. Ngành ngành cùng ăn, người người cùng ăn, chỉ có dân đen là bơ mỏ mà thôi. Thử hỏi có một tỉnh thành nào trên cái đất nước nhỏ bé này mà không có tiêu cực trầm trọng?

Đảng đã cướp đi của cải vật chất mà dân ta đã có, đang có, thậm chí cả cái sẽ có nữa, đó là tương lai. Tài sản người dân tạo dựng qua bao thế hệ nay phải mất trắng vào tay đảng viên ở địa phương. Trong tương lai, con em họ chẳng những bị bọn COCC cướp hết cơ hội phát triển mà còn phải còng lưng ra làm từng chiếc giày, may từng chiếc áo để trả nợ cho bọn đầu trâu mặt ngựa ở trung ương.

Cuộc sống người dân thì luôn bị chi phối bỡi nghị quyết của Đảng chớ không phải luật pháp. Cấp dưới cứ tha hồ diễn giải nghị quyết theo cách riêng và thi hành tùy tiện. Điều này đã biến cơ quan hành chính địa phương thành cơ quan lập pháp, có quyền lực không thua gì cơ quan trung ương.

Chính Đảng đã tạo ra cái quái thai này chớ không ai khác. Chính sách phân biệt đối xử một cách công khai suốt 70 năm qua đã tạo cơ sở cho tình trạng tùy tiện trong việc tuyển dụng. Đã có bao nhiêu triệu thanh niên VN, nhất là từ miền Nam đã mất đi cơ hội được học và làm việc đúng với khả năng của mình vì lý do "lý lịch không rõ ràng"?

Đảng của những người chiến thắng có bao giờ nghĩ đến sự bất công này không? Dĩ nhiên là không, vì những cái máy hút tiền của Đảng làm gì có trái tim mà biết đồng cảm với nỗi đau của đồng bào. Tình yêu của họ đã dành hết cho chức tước bỗng lộc rồi.

Từ cái quan niệm của kẻ thắng trận, Đảng luôn tìm mọi cách để tự thưởng bằng những chính sách hết sức tùy tiện. Trong khi có nhiều thương binh thật sự trong chiến tranh đến nay vẫn còn phải chầu chực như ăn mài để được lãnh những khoảng tiền gần như vô nghĩa. Thậm chí có gia đình liệt sĩ còn chưa được công nhận. Vậy mà các quan nhà ta, vừa được ở nhà không mất tiền, vừa được lương cao, bỗng hậu lại có nhiều quyền lực gần như vô hạn.

Đảng đã củng cố quyền lực bằng chế độ ban thưởng tùy tiện và hình thức phê bình kiểm điểm chiếu lệ. Con em gia đình các quan lớn đều có "chỉ tiêu" hưởng thụ cao nhất trong xã hội: đi du học, đi hợp tác lao động, vào những chức vụ quan trọng, cấp nhà, đất, mua hàng giá rẻ ...

Đi nước ngoài du học để mang kiến thức về phục vụ tổ quốc. Mỗi suất học bỗng có giá trị bằng sức lao động của biết bao nhiêu người dân, thế mà Đảng cho phép mình tùy tiện chia chát nội bộ, cướp đi cơ hội học hỏi chính đáng của biết bao nhiêu nhân tài của đất nước. Đây là chuyện rất bình thường, thậm chí trở thành nguyên tắc trong văn hoá Đảng.

Nguyên tắc chia chát của Đảng là người có công nhiều thì hưởng nhiều. Nhưng thế nào là có công nhiều? Tuổi Đảng? Thành tích trong chiến đấu hay trong xây dựng đất nước? Chính cái tiêu chuẫn ban thưởng mơ hồ này đã biến chính sách "đền ơn đáp nghĩa" thành hiện tượng "chia chát quyền lợi, tài sản quốc gia" cho một số đảng viên.

Sự hy sinh cho cách mạng của những vị này có hơn gì so với những người đã bỏ mạng nơi chiến trường? Người có tuổi Đảng cao là người có công nhiều cho đất nước hơn người ít tuổi Đảng hay thậm chí ngoài Đảng? Chưa chắc.

Người được đánh giá là có công với cách mạng đều là đảng viên vì một lý do đơn giản là Đảng không bao giờ cho phép người ngoài Đảng phát huy tài năng trong việc lãnh đạo đất nước.

Một thực tế quan trọng nữa là Đảng đã không thu hút được người tài vì đa số những ai có chút liêm sĩ cũng đều từ chối vào Đảng, nếu như họ có đủ tiêu chuẫn vào Đảng, vì họ khinh thường văn hoá Đảng.

Cứ hễ nắm giữ vị trí quan trọng trong Đảng là có công nhiều cho đất nước? Thí dụ ông Đào Đình Bình làm bộ trưởng GTVT là có công nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở cho VN? Và như thế là có công với ngành GTVT? Nói thế thì ông Nguyễn Văn Thiệu và chính phủ của ổng cũng có công rất lớn với dân tộc VN đấy vì họ đã giúp tạo ra cái hạ tầng cơ sở ở miền Nam mà rất nhiều đảng viên CS đã và đang hưởng thụ đó.

Chuyện phân biệt đối xử đã có từ thời chiến tranh. Ai cũng chấp nhận nó và thậm chí còn dùng nó để làm mục tiêu "phấn đấu". Chẳng hạn dân thường chỉ được 3 lạng thịt mỗi tháng, trong khi đảng viên được 5 lạng mỗi tháng. Nếu không ăn đem bán lại hưởng chênh lệch thì cũng tăng được thu nhập. Thế thì ai mà chả muốn vào Đảng?

Cái động cơ vào Đảng trong thời kỳ đổi mới cũng thế, chỉ có khác là khoản lợi nhuận do chiếc thẻ Đảng mang lại được tăng lên một triệu lần.

Một hình thức công khai của chính sách "tự thưởng" là phân chia quyền lợi theo "chỉ tiêu". Đây chẳng qua là nền văn hoá cướp giật. Chưa có quốc gia dân chủ nào làm được như thế. Cứ là quan lớn thì được cấp nhà (do cướp của dân), sau đó hợp thức hoá thành của riêng và bán lại hưởng chênh lệch. Không thể nói đây là sơ hở của chính sách, mà bản chất của chính sách là thế.

Người VN dường như đã chấp nhận mà không hề thắc mắc tại sao con em của các đảng viên cao cấp đều được tây du. Trong khi có biết bao thanh niên hiếu học tài năng khác phải bỏ lỡ cơ hội lên tỉnh học chỉ vì không có khả năng tài chính.

Còn các bạn du học sinh trong diện con ông cháu cha, có ai cảm thấy hỗ thẹn về cha mẹ mình hay không? Có ai cảm thấy áy náy khi sự thăng tiến của mình đã cướp đi cơ hội phát triển của người khác xứng đáng hơn? Chắc hẵn là không rồi.

Muốn biết các quan có tham nhũng hay không, có lẽ việc làm đơn giản nhất là tìm hiểu xem con em của họ đang làm gì, ở đâu. Trong giờ phút này, 2 người con của ngài thứ trưởng Tiến đang du học tại Pháp có suy nghĩ gì? Và còn bao nhiêu trường hợp tương tự? Cha vào tù còn con thì ở nước ngoài sống phè phỡn từ nguồn tài sản bất chính. Thậm chí có khi còn được chào đón rình rang khi trở về nữa là khác.

Trong số những doanh nhân giàu có ở VN có không ít nhờ vào tài sản tham nhũng, móc ngoặc như thế. Vụ chia đất C30 của các quan chức bưu điện ở SG cũng như vụ tương tự ở Hải Phòng là những ví dụ điển hình.

Thời buổi này cái gì cũng quy được thành tiền. Thậm chí có người còn nói là chức bộ trưởng như của ông Đào Đình Bình tốn cở 1 triệu đô. Tương tự, công lao của những người "có công với cách mạng" như ở bưu điện SG thì được tính bằng đơn vị tiền tỉ. Có lẽ Đảng nghĩ rằng người ta đã không tiếc sinh mạng cho Đảng, thế thì Đảng tiếc gì một mớ đất bỏ không giữa Sài Gòn mà không cho họ trong lúc tuổi già?

Thật là mỉa mai, Đảng đã nhân danh nhân dân để cắt đất cho chính mình. Đây là hình thức ăn cướp giữa ban ngày. Những người đi theo cách mạng là do tự nguyện, những quyền cao chức trọng mà họ có được ngày nay đã quá thừa để họ thu lợi bạc tỉ mỗi năm, thế mà Đảng vẫn xem họ là những người "có hoàn cảnh khó khăn"! Chính ông phó chủ tịch UBND ký quyết định giao đất, chứng tỏ đây không phải là việc làm của một cá nhân, mà nó liên quan đến cả bộ máy cầm quyền ở Sài Gòn, nếu không muốn nói là tới cả trung ương.

Ăn khỏe thế thì làm gì mà cơ sở Đảng không vững mạnh cho được! Đối với đảng viên, tiền bạc vật chất giờ đây không còn là thứ xa xỉ nữa, chỉ có lương tâm và đạo đức mà thôi.

Còn hệ thống kỷ luật của Đảng thì sao? Đối với người ngoài Đảng thì xử theo luật rừng, bắt trước rồi xử sau, còn đối với đảng viên thì phê bình và kiểm điểm là chủ yếu. Muốn kỷ luật một đảng viên phải chờ ý kiến của Đảng bộ rồi mới tới toà án. Ý kiến của cơ quan điều tra và dư luận chỉ có tính tham khảo. Như vậy Đảng có quyền hỏi cung bị cáo trước khi cơ quan điều tra vào cuộc hay sao? Thử hỏi có bao nhiêu người ngu xuẫn đến độ nhận tội trước khi ra toà?

Đảng luôn sợ bị ô uế thanh danh nên không bao giờ cho phép đưa đảng viên ra toà. Vì vậy, trước khi khởi tố bao giờ cũng phải tiến hành kỷ luật Đảng trước, và chỉ khởi tố khi cơ quan điều tra gần như chắc chắn rằng đương sự có tội, mặc dù theo tư duy mới của Đảng thì không ai bị kết tội trước khi có phán quyết của toà án. Chính vì sự ngần ngại và né tránh này mà còn có biết bao nhiêu cán bộ cao cấp khác trong chính phủ vẫn còn ung dung thao túng mà không sợ bị bắt, và sẽ không bao giờ bị bắt. Bằng chứng là những vụ bê bối ở bộ năng lượng và bộ GTVT trải qua mấy đời bộ trưởng mới phát hiện đựơc, các quan đã hạ cánh an toàn, tài sản thì đã tẩy rửa qua mấy chục lần rồi. Đây là bất cập nguy hiểm nhất của hệ thống pháp lý CS. Vì vậy mới có chuyện trước ngày bị bắt, tất cả các bị cáo đều là "đảng viên tốt" cả.

Văn hoá phê và tự phê chỉ có tác dụng đối với người ngoài Đảng. Khi một nhân viên bị lãnh đạo phê bình kiểm điểm thì kể như tàn đời. Trong lúc chính lãnh đạo nếu có sai lầm cho dù nghiêm trọng đến đâu cũng chỉ cần "nhận khuyết điểm" là đủ. Mà đã là lãnh đạo Đảng thì hiếm khi sai, có chăng chỉ vì "khả năng yếu kém" chớ còn nhận thức và tư tưởng thì lúc nào cũng đúng đắng hết. Mà theo Đảng thì yêu cầu "nhận thức" mới là quan trọng, chớ khả năng chuyên môn thì cần quái gì. Bằng chứng là các đồng chí trong trung ương Đảng có mấy ai là có năng lực chuyên môn đâu. Đã bao nhiêu lần người ta thấy y tá chiến trường làm giám đốc bệnh viện hay những lãnh đạo văn hoá chưa học hết cấp một? Đó là quá khứ, nhưng hiện nay vẫn không khá hơn bao nhiêu tuy là các ông các bà đó bây giờ đã mua được bằng tiến sĩ hay phụ tá tiến sĩ hết rồi.

Và Đảng đã tồn tại như thế suốt hơn nửa thế kỷ, cái nó đạt được thì rất nhiều và đồng thời cái nó đánh mất cũng không ít. Đảng đã chỉ giữ lại cho riêng mình chức tước, tiền bạc, nhà cửa, xe cộ ... và vứt đi tất cả những thứ khác. Chỉ cần ra bãi rác lương tâm của Đảng thì sẽ thấy đầy đủ những thứ cần thiết cho công cuộc xây dựng đất nước.


----------------------------------------------------------------

Trích:
Về lý do cấp đất lãnh đạo BĐTP nêu: cho các đối tượng (đã xem xét kỹ) là cán bộ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ có nhiều công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển ngành bưu điện và cách mạng VN.

Ngoài ra, tờ trình số 108, do Giám đốc BĐTP Lê Ngọc Trác ký, còn giãi bày về gia cảnh những cán bộ nói trên là hầu hết đều chưa có nhà ở ổn định và chưa được cấp đất. Hoặc có những trường hợp có nhà tập thể thì cam kết sẽ hoàn trả căn hộ sau khi được cấp đất, để BĐTP cấp cho CBCNVC khác…

Ngày 19/4/2002, diện tích đất trên được Phó Chủ tịch UBND TPHCM Vũ Hùng Việt ký quyết định giao đất. Có thật những người được cấp những “lô đất vàng” nói trên đều là cán bộ lão thành? Chúng tôi sẽ đề cập trong số báo sau.

Báo Tiền Phong (link ...)



06-04-2006, 02:41 AM