Friday, May 02, 2008

Chuyện dài học ngoại ngữ

Saigon-Vietnam's Blog

Chuyện dài học ngoại ngữ, nhất là Anh văn, đã được báo chí VN bàn đến rất nhiều. Nhưng cho dù có nhiều cách mấy thì chắc cũng chưa giải tỏa nỗi băng khoăng của người học ngoại ngữ. Số người học càng ngày càng tăng nhưng tỉ lệ số người thất bại hay không đạt kết quả cũng không giảm.

Cứ đến một trung tâm ngoại ngữ ở VN mà học thì có lẽ ai cũng nhận ra là lớp học rất đông vào ngày khai giảng nhưng vơi dần và cho đến khi hoàn tất chương trình để thi lấy bằng thì tỉ lệ ra trường là cực kỳ nhỏ. Có lẽ cở 10% hay ít hơn là thu được kết quả tương đối mà thôi, phần còn lại thì "vào thế nào, ra thế ấy".

Người Việt ở hải ngoại cũng không thoát khỏi cái vòng lẫn quẫn này. Ngay tại Mỹ, bước ra đường là có cơ hội để thực hành tiếng Anh nhưng vẫn có nhiều người Việt, vì nhiều lý do khách quan cũng như chủ quan, đã chọn lối sống "bịt mồm bịt tai". Họ sẽ không bao giờ hội nhập thực thụ được vào xã hội nói tiếng Anh, cho dù có kiếm được bạc triệu. Trong khuôn khổ bài viết này, xin chỉ bàn đến việc học ngoại ngữ mà thôi.

Như vậy theo bạn có bao nhiêu yếu tố quyết định sự thành công (cho dù là còn hạn chế) của việc học ngoại ngữ?

Động cơ Quyết tâm Phương pháp học Người dạy Môi trường sống, phương tiện thực hành Điều kiện kinh tế, vật chất Tuổi tác Trí thông minh Năng khiếuBạn đã tạo cho mình môi trường tối ưu có thể có cho việc học ngoại ngữ hay chưa?

Vận dụng tất cả những phương tiện trong môi trường sống hay chưa?

Nghe Nhìn Nói Viết-Động cơ của bạn là gì? Nếu chỉ cho là học để giải trí thì có lẽ bạn đang phí thời giờ của mình và mọi người rồi đấy. Trừ phi bạn là người cực kỳ thông minh hay có năng khiếu ngoại ngữ hay có hoàn cảnh rất đặc biệt, không có chuyện "cưỡi ngựa xem hoa" mà thành công được. Động cơ cần thiết phải là "để tồn tại trong thế giới ngày mai". Chỉ có động cơ mãnh liệt đó mới có đủ sức chiến thắng cái tật lười biếng trí tuệ đang ngự trị trong mỗi chúng ta mà thôi.

Bằng chứng là những bạn sinh viên học ngoại ngữ để đối phó khi ra trường hay mấy ông cán bộ học ngoại ngữ để được lên chức v.v..., tất cả đều không mang lại kết quả gì cho kiến thức của người học cả.

Nói thế không có nghĩa là những trường hợp thất bại khác đều do không có động lực đúng đắng, thật ra là nó chưa đủ mạnh mà thôi.

-Quyết tâm: sau khi đã xác định động lực cho việc học là để "tồn tại" thì chúng ta cần có một quyết tâm và tự tin. Không cho phép những cản trở tức thời nào làm nãn lòng.

-Phương pháp: tự học là chính. Khi đã có động cơ và quyết tâm rồi thì chắc chắn con đường đi đến thành công phải thông qua "tự học" là chính. Chừng nào mà bạn bỏ ra thời giờ nhiều hơn quy định của giáo viên để học ở nhà thì chừng đó bạn mới thực sự tiếp thu tốt kiến thức mới. Thay vì chờ giáo viên hỏi bài trong lớp, bạn phải tự tìm hiểu và soạn sẵn những câu hỏi để nhờ thầy giải đáp trong lớp. Có thể một số nhỏ giáo viên yếu kiến thức sẽ không thích lối học này của bạn, nhưng những ai có trình độ và tâm huyết với nghề giáo đều sẽ ủng hộ bạn.

-Vai trò của giáo viên không nên quá quan trọng trong việc học của bạn. Bạn nên tìm mọi cách tự học và tự kiểm chứng kiến thức trước khi đến lớp. Điều khó cho người học là khi học một mẫu câu mới, làm sao áp dụng nó trong những tình huống khác với ngữ cảnh trong tài liệu. Đó là lúc chúng ta cần sự hướng dẫn của giáo viên. Vì ngôn ngữ vừa là khoa học vừa là nghệ thuật, lại có lắm ngoại lệ, cho nên chúng ta không thể dùng phương pháp suy diễn đơn thuần mà có kết quả chính xác được.

-Khả năng thẩm âm có tính quyết định trong việc nghe và nói ngoại ngữ. Đây là lĩnh vực mà người ta hay gọi nôm na là "năng khiếu" ngoại ngữ. Thật ra thì nó chỉ đúng cho người trưởng thành học ngoại ngữ thôi, đối với trẻ em thì khả năng nghe và nói ngoại ngữ rất tốt.

Trong âm nhạc người ta hay nói "tone deaf" để chỉ những người nghe note La lại hát nốt xề hay thậm chí âm lơ lớ không ra tần số nào rõ rệt cả. Đặc biệt là những người thật sự "tone deaf" không biết được là họ hát "phô", vì họ không phân biệt được cao độ của âm thanh.

Hiện tượng "tone deaf" trong ngôn ngữ không đến nỗi nghiêm trọng như thế và thậm chí còn có thể "chữa được" nhờ luyện tập. Vấn đề là do thói quen nghe một thứ ngôn ngữ quá lâu đã làm cho não bộ con người mất dần khả năng nhận dạng những âm thanh lạ từ những ngôn ngữ khác mà thôi. Cần phải có một quá trình "đấu dây lại" (rewire hay reprogram) bộ não.

Ngành điện ảnh VN đang gặp khó khăn về vấn đề tiếng nói của diễn viên vì các "minh tinh" VN thường không có nói được tiếng Việt đạt tiêu chuẫn để thu thanh trực tiếp! Thế mới thấy khâm phục những diễn viên nổi tiếng của Mỹ, hầu như lúc nào cũng phải thu tiếng trực tiếp. Nếu theo dõi những phim cần người nói giọng miền thì chúng ta còn phải khâm phục họ hơn nữa: Xem Tom Hanks trong Forest Gump (nói giọng Alabama), hay Tom Cruise trong Far and Away (nói giọng Anh), Colin Farrell trong Tigerland (người Ái Nhỉ Lan nói giọng Mỹ - nghe anh ta nói tiếng anh với giọng Irish rặc ở ngoài đời thì mới thật sự kinh ngạc) ... Yêu cầu diễn viên phải nói được nhiều giọng là chuyện thường ở Hollywood, chỉ có ở VN là hiếm mà thôi.

Khi cần đổi giọng nói cho phù hợp với vai diễn, các diễn viên Mỹ thường phải sang sống thực tế ở địa phương để học hỏi các ăn nói đi đứng của dân địa phương, ngoài ra họ còn có người hướng dẫn riêng (language coach) nếu cần.

Có thể nhiều bạn sẽ nói là diễn viên thường có năng khiếu bẩm sinh về ngôn ngữ nên họ làm được chuyện đó. Đúng, nhưng họ cũng vẫn phải khổ luyện và cần sự hướng dẫn chớ không phải tự nhiên mà đạt được kết quả như ý muốn của đạo diễn được.

Việc nhận dạng chính xác âm thanh là yếu tố quan trọng trong việc học phát âm của bạn. Nếu không có điều kiện thuê chuyên viên hướng dẫn ngôn ngữ (language coach) thì bạn phải tự học lấy.

Những việc cần làm và đáng lưu ý:

Đọc lớn: phải tìm cho mình một góc học tập mà không gây ảnh hưởng đến người chung quanh.
Tự thu bài đọc của mình vào băng (hay máy tính) rồi phát ra so sánh với giọng của người bản xứ. Lặp lại cho đến khi nào tốc độ và âm thanh gần giống với người bản xứ thì thôi. Đây là việc rèn luyện lâu dài, không thể đạt được ngay. Trước tiên bạn nên bắt đầu với bộ Alphabet, xin chớ coi thường những ký tự nhạt nhẽo này vì nếu bạn đọc những chữ cái không chính xác thì sau này sẽ không bao giờ phát âm đúng được. Thông thường những lỗi phát âm đều xuất phát từ phần cơ bản nhất là bộ chữ cái. Kế đến là những cách phát âm của những bộ phụ âm kép hay phức.
Nên tự tìm hiểu về cách phiên âm của các từ điển để có cơ sở mà luyện cách phát âm. Trong hầu hết các trường hợp, tự điển luôn luôn đúng, chỉ có người học là đọc sai thôi.
Hạn chế tối đa sử dụng tự điển Anh-Việt. Nếu bạn học theo đúng trình tự từ dễ đến khó thì vốn từ vựng sẽ được xây dựng hợp lý giúp bạn dùng được từ điển đơn ngữ.
Kim Từ điển (từ điển điện tử) có rất nhiều điểm bất cập, thiếu ví dụ minh họa nên rất dễ gây hiểu lầm ở người sử dụng, dẫn đến hiểu sai hoàn toàn ý nghĩa của từ muốn tìm hoặc làm cho người sử dụng áp dụng sai từ ngữ. Ngoài ra, một số versions của KTĐ còn có những lỗi ngớ ngẩn khác như từ "tiểu đường" không có nhưng lại có "đái đường" (diabetes). Nên tránh xa!
Khi thấy người nước ngoài mở khẩu hình để phát âm một từ nào đó, bạn nên để ý thật kỷ, nếu có điều kiện thì yêu cầu họ lặp lại để bạn bắt chước. Thoạt đầu có thể thấy ngượng nhưng dần dần sẽ quen. Không bao giờ được phép dễ dãi với khẩu hình. Nên nhớ là nếu bạn không mở đúng khẩu hình thì không bao giờ phát âm đúng được. Một âm chỉ có một khẩu hình đúng mà thôi. Nếu khẩu hình của bạn (kể cả vị trí lưỡi) không giống với khẩu hình của người bản ngữ thì phải sửa đến khi nào gần giống mới thôi. Ngữ điệu và những âm thanh đặc thù:

Khi nghe thoáng qua một cuộc đàm thoại, người ta nhận ra tiếng Anh nhờ những âm "R" và "tion", cũng như tiếng Pháp là những âm giọng mũi "EN" "ON", "ION" v.v...

Vì vậy bạn phải tập trung luyện tập những âm thanh đặc thù đó để tiến lại gần ngôn ngữ mình muốn nói; đồng thời khắc phục nhược điểm ở những âm không có trong tiếng mẹ đẻ. Người Việt học tiếng Anh thường gặp trở ngại với những âm "R, TR, SH, TCH, J" và âm đuôi "ge, sh, z" v.v... Đặc biệt là lỗi dấu nhấn thì cực kỳ phổ biến, mà cái này hoàn toàn có thể tránh khỏi nếu bạn chịu khó tra từ điển.

Xem phim Mỹ có phụ đề (subtitle) tiếng Anh (DVD gốc đều có phần này) hay closed caption (tùy loại TV) để học từ ngữ và cách phát âm cũng như ngữ điệu.
Nghe nhạc cũng là một cách, tuy hơi khó vì ca từ thường gần với thơ và văn chương hơn ngôn ngữ nói.
Đọc truyện ngắn, tin tức thời sự... Cách học từ vựng tốt nhất là dịch sang tiếng Việt. Tránh những bài hay truyện quá dài.


Thực hành (Phát âm ; Ngữ điệu; Tốc độ)

Thực hành với ai: dĩ nhiên càng thực hành nhiều thì càng nghe/nói lưu loát, nhưng cũng cần tính đến yếu tố đối tượng giao tiếp. Có người Việt sang Mỹ quan niệm rằng cứ tiếp xúc nhiều với người Mỹ thì dần dần sẽ nghe/nói tốt (đúng giọng, đúng văn phạm ...) Thật ra có 2 yếu tố quyết định sự tiến bộ thật sự trong kỷ năng giao tiếp:

kiến thức cơ bản, vốn từ, khả năng tự trao dồi từ vựng: cần phải nắm văn phạm đủ để viết và đọc hiểu để tự cải thiện vốn từ vựng.

đối tượng giao tiếp (nên là người giỏi hơn mình): nếu họ tế nhị không sửa cho mình thì ít ra mình cũng phát hiện sai sót mà tự sửa lấy.
Ví dụ: để hỏi "Anh ăn trưa chưa?", bạn quên (hay chưa biết) cách dùng present perfect nên nói đại "Did you eat luch yet?".

Người bạn Mỹ biết ý bạn hỏi gì nên trả lời "No I havn't".

Hay bạn hỏi "Do you leave the company?"
Người bạn Mỹ trả lời: "No I'm not" (tức là I'm not leaving)

Nếu tinh ý bạn sẽ phát hiện ra điểm sai sót của mình được thể hiện qua câu trả lời của người bạn Mỹ. Lẽ ra bạn nên nói "Have you eaten lunch yet?" hay "Have you had lunch yet?"; và câu hai là "Are you leaving the company?"

Đấy, nếu không có kiến thức cơ bản thì chúng ta sẽ khó có thể tự sửa lỗi thông qua giao tiếp hàng ngày.

Một thực tế khá phủ phàng đối với người có ý định học tiếng Anh qua giao tiếp là họ không có cơ hội được người khác sửa (correct) khi phạm lỗi văn phạm hay phát âm; vốn từ nghèo nàn, có cải thiện thì cũng hết sức chậm, và thường là chỉ nghe âm mà không thấy mặt chữ. Đó là chưa kể đối tượng giao tiếp của họ thường là giới bình dân, đề tài giao tiếp cũng hạn chế trong khuôn khổ công việc tay chân hàng ngày.

Với cách học đó, sau 20 năm trình độ cũng vẫn còn rất yếu. Cụ thể là không nghe nỗi tin tức bình luận trên TV Mỹ, không xem phim, kịch hay giải trí bằng tiếng Anh, và dĩ nhiên là cũng không tự viết được đơn từ.

Còn ở VN thì sao? Các báo có nhắc đến sự bế tắt của các câu lạc bộ ngoại ngữ vì thiếu tính thu hút. Điều này sớm hay muộn gì cũng xảy ra. Nhiều người có nhu cầu thực hành ngoại ngữ nên cùng tìm đến các CLB nhưng nếu tất cả đều có cùng trình độ sơ cấp thì rất nguy hiểm vì sai không ai sửa. Còn những người đã giỏi mà đến đó thì lại dễ chán. Tóm lại CLB ngoại ngữ phải có người tổ chức là dân rất giỏi ngoại ngữ, thậm chí nên là người bản ngữ thì mới có thể mang kết quả tốt đến cho thành viên.

2-May-2008 2:11am

No comments: